Những anh hùng kết vòng tròn bất tử, bảo vệ biển đảo thiêng liêng

35 năm sự kiện 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh bảo vệ Gạc Ma

35 năm đã trôi qua, những người lính Trường Sa không phai mờ những ký ức về cuộc đối mặt kẻ thù để bảo vệ Gạc Ma. VietnamPlus xin giới thiệu chùm bài viết ghi lại cảm xúc của những người trong cuộc.
35 năm sự kiện 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh bảo vệ Gạc Ma ảnh 1Cựu chiến binh Lê Thành Phương (thành phố Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên) cùng đoàn công tác số 10 thả hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Trường Sa, năm 2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Bài 1: Vòng tròn bất tử

Những ngày này, cả nước hướng về và bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân để bảo vệ từng tấc đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, bảo vệ chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhắc nhớ về lịch sử, về công ơn của những người con đã ngã xuống trong sự kiện này, chúng ta càng vững bước hơn hướng tới tương lai.

Tưởng niệm 35 năm ngày diễn ra cuộc đối đầu của những người lính hải quân trước kẻ thù để bảo vệ Gạc Ma, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết ghi lại những cảm xúc của những người trong cuộc.

35 năm đã trôi qua, những người lính Trường Sa ngày đó, quê ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... vẫn không phai mờ những ký ức về cuộc đối mặt với quân thù để bảo vệ Gạc Ma.

Trong cuộc chiến đấu ấy, đồng đội của họ - những người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, đã kết thành vòng tròn bất tử, quyết không tiếc máu xương của mình để bảo vệ chủ quyền từng tấc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Hồi ức Gạc Ma mãi không phai nhòa

Kể từ ngày 14/3/1988, sự kiện Gạc Ma và sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sỹ trên tàu HQ 604 đã đi vào lịch sử Việt Nam.

Những anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương vì đất nước còn mãi trong tâm trí của đồng đội và nhân dân, như thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ, hay liệt sỹ Trần Văn Phương, người đã nói: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng” đã trở thành biểu tượng cho tình yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm trước kẻ thù.

Sự kiện Gạc Ma đã lùi xa 35 năm, nhưng những người còn được trở về sau trận chiến đó chưa bao giờ quên dù là một chi tiết nhỏ trong ngày lịch sử ấy.

Thương binh Lê Văn Thoa (tên thường gọi Lê Minh Thoa, hiện ngụ tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là một trong số chín người bị địch bắt và giam hơn ba năm sau trận chiến đấu ác liệt bảo vệ đảo Gạc Ma.

Năm 1985, tròn 17 tuổi, thanh niên Lê Văn Thoa nhập ngũ, sau đó trở thành hạ sỹ quan thuộc Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân đóng tại Tân Cảng, Thành phố Hồ Chí Minh và được phân công làm nhiệm vụ sửa chữa máy móc trên tàu HQ 602. Đầu năm 1988, chiến sỹ Thoa được tăng cường sang tàu HQ 604, làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa.

Ông Lê Văn Thoa bồi hồi nhớ lại: Rạng sáng 14/3/1988, địch dùng xuồng nhôm đưa lính thủy quây quanh đảo, hùng hổ tấn công, hòng cướp đảo Gạc Ma.

Thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ đã ra lệnh: Toàn đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Do binh lực kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần, các chiến sỹ của ta lùi dần về phía lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo Gạc Ma và tạo thành một vòng tròn bao quanh cờ Tổ quốc, quyết không để địch cướp được.

Sau đó, tàu hải quân của địch đưa lính vũ trang tràn lên đảo Gạc Ma, rồi bắn pháo vào tàu HQ 604 khiến cho tàu bị hỏng nặng. Lúc đó, tôi lo chữa cháy cho tàu và bị thương do dầu máy văng vào.

Tàu HQ 604 hứng chịu hàng loạt các đợt đạn của địch, bị thủng nhiều chỗ và hỏng nặng, chìm dần xuống biển. Tôi nhảy khỏi tàu, ôm được hai trái bí xanh là lương thực của tàu để bơi. Lênh đênh trên biển gần một ngày thì tôi bị tàu địch bắt giữ. Đúng ba năm, tám tháng, 15 ngày sau, tôi mới được trở về với gia đình, quê hương.

Với những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cựu chiến binh Lê Minh Thoa được xác định là thương binh 4/4 và vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương chiến công; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì và hạng Ba.

35 năm sự kiện 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh bảo vệ Gạc Ma ảnh 2Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam dâng hương trong Khu tưởng niệm Gạc Ma, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh năm 1988. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Đối với cựu chiến binh Lê Thành Phương (quê thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), khi sự kiện Gạc Ma xảy ra, ông mới là một chiến sỹ 19 tuổi đóng quân ở Trường Sa. Ông Phương là đồng hương, đồng chí của liệt sỹ Phan Tấn Dư, Trương Văn Thịnh (hai trong số 64 liệt sỹ đã “quyết tử” vì Gạc Ma).

Cựu chiến binh Lê Thành Phương hồi tưởng: Từ Trường Sa lớn, tôi là một trong số những người được cấp trên cử đi tác chiến, chi viện cho Gạc Ma. Trong ba lô lúc ấy, mỗi người đều đã có sẵn tấm bia liệt sỹ của mình. Chúng tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu và quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

[Khánh Hòa: Gặp mặt, tặng quà tri ân gia đình 64 liệt sỹ Gạc Ma]

Tuy nhiên, tàu không được lệnh vào đảo. Sự kiện Gạc Ma là lịch sử mà tôi không bao giờ quên. Mỗi lần gặp lại đồng đội cũ, chúng tôi đều nhắc về những ngày gian khổ mà hào hùng ấy và thầm cảm ơn những đồng chí đã hy sinh để mình được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay...

Còn nhiều câu chuyện về sự kiện Gạc Ma và những cán bộ, chiến sỹ mà tên tuổi của họ sống mãi cùng lịch sử hào hùng, thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi người một cách kể, cách cảm nhưng hơn hết thảy, đó là tinh thần quả cảm, sẵn sàng xả thân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Và hôm nay, khi chúng ta nhắc nhớ về sự kiện ngày 14/3/1988, tất cả vẫn đậm sâu, vang vọng.

Thắp nén hương cho người nằm dưới biển

Đã 35 năm trôi qua, 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân quả cảm vẫn còn nằm lại dưới lòng biển Tổ quốc. Sau nhiều năm, Đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đã được xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để mãi mãi khắc ghi và tưởng nhớ những chiến sỹ đã ngã xuống nơi đây.

Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/2015 và hoàn thành vào 7/2017, với tổng mức hơn 130 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và nhân dân cả nước. Tại đây có tượng đài “Chiến sỹ Gạc Ma” cao hơn 15m, mang chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời,” lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sỹ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Những ngày tháng Ba này, khu tưởng niệm Gạc Ma liên tục có các đoàn khách, học sinh, sinh viên và thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đến dâng hương. Bình quân mỗi tháng có khoảng từ 4.000-5.000 lượt khách tham quan, hành hương; cao điểm các tháng Ba, tháng Bảy và tháng 12 tăng đến 6.000-7.000 lượt khách/tháng.

Từ khu tưởng niệm nhìn về phía biển, những người con đất Việt thầm nhắn gửi lời tri ân tới những chiến sỹ quả cảm, những người con đã anh dũng hy sinh cả tuổi trẻ và tính mạng của mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng một một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Sau khi dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Gạc Ma, em Nguyễn Đức Hải Quân, học sinh lớp 10C4, Trường Trung học phổ thông Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: "Tinh thần và khí phách của 64 chiến sỹ anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma sẽ luôn được thế hệ trẻ chúng em ghi nhớ.

Tự hào là những đoàn viên, thanh niên sống trên vùng đất có địa chỉ đỏ Khu tưởng niệm Gạc Ma, chúng em càng ra sức học tập, trưởng thành để góp công sức xây dựng tỉnh Khánh Hòa nói riêng, nước ta nói chung."

Đau đáu về những ký ức trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma, những người lính từng chiến đấu năm xưa luôn mong muốn thêm một lần được trở lại Gạc Ma, được ra với Trường Sa kiên cường. Họ muốn trở lại nơi đã từng chiến đấu để "gặp lại" những người đồng đội của mình, dẫu chỉ là trong tâm trí!

35 năm sự kiện 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh bảo vệ Gạc Ma ảnh 3Đoàn Cựu cán bộ Đoàn Khu vực Nam và Tuổi trẻ Khánh Hòa dâng hương tại Khu tưởng niệm Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: TTXVN phát)

Năm 2022, cựu chiến binh Lê Thành Phương (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cùng đoàn công tác số 10 ra Trường Sa nơi mình đã từng đóng quân. Cảm xúc của ông lại dâng trào khi tham gia nghi thức thả hoa xuống biển viếng những đồng đội của mình đã “nằm lại phía chân trời.”

Ông Lê Thành Phương xúc động chia sẻ: Kể từ ngày xuất ngũ, tôi luôn mong muốn được quay trở lại Trường Sa thân yêu để thắp cho đồng đội một nén nhang, nói lời cảm ơn vì những hy sinh của họ. Thật vinh dự và may mắn khi tôi đã được tham gia đoàn công tác số 10 ra thăm Trường Sa.

Giữa mênh mông biển trời Trường Sa xanh ngắt, chúng tôi xúc động khi nghe tiếng nhạc “Hồn tử sỹ” ngân lên trầm hùng trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh ở nơi này. Nhìn vòng hoa được kết thành hình quốc kỳ đỏ tươi và ngôi sao vàng được thả trôi dập dềnh theo sóng biển, ai cũng dâng trào nước mắt...

Một cảm xúc thiêng liêng khiến tôi cảm nhận những đồng đội hy sinh ở Gạc Ma vẫn đang hiện hữu với dáng đứng hiên ngang dưới quốc kỳ tung bay trước gió. Đó là sẽ là những dòng ký ức, cảm xúc theo tôi đi đến hết cuộc đời này...

Ký ức của trận chiến đấu tại đảo Gạc Ma 35 năm qua vẫn còn đậm nét, máu xương của 64 liệt sỹ và biểu tượng vòng tròn bất tử đã trở thành tượng đài lịch sử trong tâm khảm đồng bào cả nước. Tiếng gọi các anh mãi vang lên trong tim triệu triệu người dân nước Việt.

“Hỡi các anh những linh hồn không tuổi

Máu đã thấm vào lòng đất Việt, để ngàn năm còn mãi tự hào

Xin dâng hương những linh hồn bất tử

Như tượng đài sừng sững giữa phong ba

Để đời sau còn nghiêng mình cúi đầu

Trước những chiến công làm rạng rỡ Việt Nam...”./.

Đón đọc Bài 2: Những người lính Trường Sa hôm nay

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục