Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h30 sáng 8/1 (theo giờ Việt Nam), số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 303.635.473 ca, trong đó có hơn 5.496.791 bệnh nhân không qua khỏi. Số ca hồi phục là 258.215.326 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 2.689.966 ca, trong đó Mỹ ghi nhận con số cao nhất 848.502 ca, tiếp theo là Pháp với 328.214 ca và Anh với 178.250 ca.
Đáng chú ý, Brazil ghi nhận 63.292 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ tháng 7/2021. Giới chức y tế Brazil nhận định số ca lây nhiễm tăng là do sự lây lan của biến thể Omicron.
Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky cho biết số trẻ em tại Mỹ phải nhập viện vì COVID-19 hiện đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi.
Trong tuần kết thúc vào ngày 1/1, tỷ lệ nhập viện liên quan đến COVID-19 ở trẻ dưới 4 tuổi tại Mỹ là 4,3 ca/ 100.000 em, ở nhóm trẻ từ 5-17 tuổi là 1,1 ca/100.000 em. Số liệu này cũng bao gồm cả những trẻ mắc COVID-19 sau khi nhập viện điều trị các bệnh khác. Hiện ở Mỹ có 16% trẻ từ 5-11 tuổi và hơn 50% trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19.
Tại Israel, giới chức Bộ Y tế dự báo số người nhiễm biến thể Omicron tại nước này có thể lên tới 2-3 triệu người trước khi làn sóng dịch hiện nay kết thúc.
Theo dự báo, trong tuần tới số ca nhiễm mới tại Isarel sẽ lên tới 50.000 người, trước khi chạm mức đỉnh 100.000 người vào tuần tiếp theo. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm thực tế còn lớn hơn do sự thay đổi về quy định cách ly và xét nghiệm khiến nhiều ca xuất hiện trong cộng đồng mà không được báo cáo.
Thống kê của hãng AFP cho thấy trong vòng 7 ngày qua, 34 quốc gia đã ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới hằng tuần kể từ khi đại dịch bùng phát, trong số này có 18 nước châu Âu và 7 nước châu Á.
Giới chuyên gia nhận định dù có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, song biến thể Omicron dường như không gây bệnh nghiêm trọng như các biến thể trước đó.
[CEO Moderna để ngỏ khả năng cần thêm mũi vaccine tăng cường thứ 4]
Trong tuần trước, thế giới đã ghi nhận 13,5 triệu ca mắc mới, tăng 64% so với 7 ngày trước đó, song số ca tử vong trung bình toàn cầu đã giảm 3%.
Dẫn số liệu của các nước Anh, Mỹ, Canada và Israel, cơ quan y tế Pháp nhận định nguy cơ nhập viện ở những người nhiễm biến thể Omicron thấp hơn 70% so với các biến thể khác.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng không nên coi biến thể Omicron là biến thể nhẹ, bởi Omicron đang khiến nhiều người phải nhập viện và nhiều người tử vong.
Ngày 7/1, giới chức y tế Anh khẳng định mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng cường sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cao cho những người cao tuổi trước nguy cơ bệnh trở nặng.
Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết khoảng 3 tháng sau khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba, hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện cho những người từ 65 tuổi trở lên vẫn duy trì ở mức khoảng 90%.
Tại Đức, chính phủ liên bang và các bang ngày 7/1 đã thông qua nhiều biện pháp hạn chế mới nhằm ứng phó với làn sóng đại dịch do biến thể Omicron lây lan mạnh ở nước này. Theo đó, quy tắc 2G plus (những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh vẫn cần có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính) sẽ được áp dụng trên toàn quốc trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực. Như vậy, sẽ chỉ có những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và những người đã khỏi bệnh, khi có kết quả xét nghiệm nhanh hằng ngày mới được vào các nhà hàng, quán ăn, quán bar hay quán càphê.
Trong khi đó, những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ được miễn áp dụng quy định trên. Những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường cũng sẽ được miễn hoàn toàn yêu cầu cách ly, trong khi những người mắc COVID-19 và những người tiếp xúc hoặc đã tiêm đủ 2 mũi sẽ được rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 10 ngày, thay vì 14 ngày như trước đây./.