33 công ty cacao hàng đầu thế giới bắt tay giảm nạn phá rừng

33 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cacao tuyên bố sẽ khởi động kế hoạch hành động chung với Côte d'Ivoire và Ghana (2 nhà sản xuất cacao hàng đầu thế giới) nhằm kiềm chế nạn phá rừng.
33 công ty cacao hàng đầu thế giới bắt tay giảm nạn phá rừng ảnh 1Thu hoạch cacao tại Ghana. (Nguồn: goodmanamc.blogspot.com)

Ngày 4/3, Quỹ cacao thế giới (WCF) cho biết 33 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cacao, chiếm 85% tổng sản lượng cacao toàn cầu, tuyên bố sẽ khởi động kế hoạch hành động chung với Côte d'Ivoire và Ghana (2 nhà sản xuất cacao hàng đầu thế giới, chiếm 65% tổng sản lượng cao cao toàn thế giới), nhằm kiềm chế nạn phá rừng.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Chủ tịch WCF Richard Scobey nhấn mạnh đây là lần đầu tiên các chính phủ và các nhà công nghiệp chế biến cacao cùng nhau đưa ra một kế hoạch hành động chung để giảm nạn phá rừng.

Theo tổ chức cacao thế giới này, trong số 33 công ty có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực cacao và sôcôla toàn cầu như Nestlé, Ferrero, Barry Callebaut, Cemen, Hershey, Lindt, Mars Wrigley, Mondelez…

[Mexico: Rừng bị tàn phá trong 2016 có diện tích lớn hơn thủ đô]

Các công ty này dự kiến công bố các biện pháp thực hiện trong 3 tuần tới. Mục tiêu cuối cùng của Côte d'Ivoire là đạt được 20% diện tích bao phủ rừng vào năm 2030, trong khi tỷ lệ này trong năm 2015 đã giảm xuống 11%, còn 3,4 triệu hécta rừng.

Ông Scobey tuyên bố mục tiêu là giảm phát thải khí nhà kính, phá rừng, khôi phục đa dạng sinh học và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và môi trường cân bằng của nông dân trồng cacao.

Trong số các biện pháp được các nhà công nghiệp chế biến cacao và các chính phủ dự kiến công bố là sẽ xây dựng bản đồ các đồn điền và hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo cacao đến hợp pháp từ các đồn điền được bảo vệ, phát triển các hành lang bảo tồn để liên kết việc phát triển trữ lượng rừng và đầu tư vào các kỹ thuật để "sản xuất nhiều cacao hơn trên diện tích đất ít hơn."

Các kế hoạch này cũng bao gồm việc đầu tư vào hệ thống nông lâm nghiệp, đào tạo nông dân về các kỹ thuật nông học mới, hợp đồng thanh toán cho các dịch vụ môi trường được thực hiện trực tiếp với các nhà sản xuất cũng như việc sử dụng sự giám sát của vệ tinh để theo dõi nạn phá rừng bất hợp pháp ở các khu vực nhạy cảm và đưa ra các cảnh báo.

Đây là một phần trong các cam kết thực hiện Sáng kiến cacao và rừng, được đưa ra tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 11/2017 tại thành phố Bonn của Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục