Ngày 6/6, tại Ba Lan diễn ra cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Anakonda" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ba Lan, cuộc tập trận này có ý nghĩa to lớn cả về mặt quân sự và chính trị.
Mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm củng cố khả năng phối hợp hành động và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng thuộc từng quốc gia cũng như các lực lượng liên quân trong trường hợp xảy ra thảm họa tại khu vực.
Cuộc tập trận lần này của NATO ghi nhận kỷ lục về số quốc gia và số người tham gia với 31.000 binh sỹ từ 24 quốc gia, trong đó có 12.000 lính Ba Lan, 10.000 lính Mỹ, khoảng 1.000 lính Anh, cùng binh lính của các nước tham gia khác.
Cuộc tập trận sẽ diễn ra trên toàn bộ các thao trường của Ba Lan với 3.000 trang thiết bị kỹ thuật quân sự, bao gồm nhiều xe tăng, xe bọc thép, hơn 100 máy bay các loại và 12 tàu chiến.
"Anakonda" vốn là cuộc tập trận được lực lượng vũ trang Ba Lan tiến hành 2 năm một lần từ năm 2006. Đến năm 2012 cuộc tập trận này được quốc tế hóa và đưa vào kế hoạch tập trận của NATO, với sự tham gia của cả các lực lượng vũ trang Mỹ và Canada.
Năm 2014, "Anakonda" diễn ra với sự tham gia của 12.500 quân đến từ 8 nước.
Song song với cuộc tập trận "Anakonda" lần này sẽ diễn ra các cuộc tập trận mang tên "Saber Strike," "Swift Response" và "Baltops."
"Saber Strike" được tiến hành nhằm hoàn thiện khả năng cơ động của các lực lượng cùng các trang thiết bị quân sự tại các nước vùng Baltic, Rumania và Bulgaria.
"Swift Response" được thực hiện với kịch bản là hoạt động đổ bộ của quân Mỹ vào Ba Lan để thực hiện các nhiệm vụ tại Ba Lan và các nước thành viên NATO.
"Baltops" được tiến hành trên vùng biển Baltic, với việc NATO đưa bộ binh vào Ba Lan diễn tập các kịch bản nhằm đánh giá khả năng phản ứng của khối này trước khủng hoảng - hoạt động vốn trước đây chỉ được ghi trên giấy tờ./.