30.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau bị xâm nhập mặn

Hiện nay tình hình nước mặn xâm nhập vào đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Cà Mau đã đến mức cực kỳ nguy hiểm với diện tích đất bị xâm mặn lên tới trên 30.000ha.
30.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau bị xâm nhập mặn ảnh 1Diện tích trồng lúa không có nước ngọt để sản xuất. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, hiện nay tình hình nước mặn xâm nhập vào đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Cà Mau đã đến mức cực kỳ nguy hiểm.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, diện tích đất bị xâm mặn đã lên tới trên 30.000ha. Xâm mặn từ biển vào sâu trong đất liền sâu tới 2 đến 3km chạy suốt chiều dài bờ biển với 254km, thậm chí có nơi nước biển tràn sâu vào trong đất liền trên 5km.

Nếu như ven biển bị xâm mặn do tác động của thiên nhiên, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì trong nội địa, tình trạng xâm mặn do tác động trực tiếp của con người. Theo các cơ quan chức năng, diện tích đất ngọt hóa cũng đã bị xâm mặn lên tới hàng chục hécta, tập trung chủ yếu là ở các huyện nước ngọt U Minh, Thới Bình và huyện Trần Văn Thời.

Nguyên nhân là ngày càng có nhiều hộ dân tự ý đưa nước mặn vào đất ruộng để nuôi tôm.

Tình trạng xâm mặn ở Cà Mau làm cho vùng quy hoạch ngọt hóa đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, tác động tới sản xuất cây trồng vật nuôi hệ sinh thái ngọt, ô nhiễm môi trường, thiếu nước ngọt, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn hộ dân...

Nhằm hạn chế thiệt hại do xâm mặn gây ra, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt cũng như về lâu dài. Tỉnh triển khai nhanh đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp đê biển với tổng kinh phí lên tới 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn trong dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đề án này đã được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương.

Tỉnh cũng tiến hành tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó chọn những loại giống thích ứng với nước mặn để tổ chức sản xuất phù hợp; tiến hành điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng vùng nào trồng lúa không hiệu quả sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, vùng nào nuôi trồng thủy sản năng suất thấp sẽ chuyển sang sản xuất cây con khác; đồng thời kiên quyết ổn định vùng quy hoạch ngọt hóa; xử lý nghiêm hành vi tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao cho các cơ quan chức năng hằng năm phải có đánh giá tình hình xâm mặn để có chỉ đạo xử lý phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục