30% thương hiệu khách sạn quốc tế mở mới tại Việt Nam là dự án chuyển đổi

Hiện nhiều chủ sở hữu đang quan tâm hơn đến việc hợp tác với các nhà điều hành khách sạn quốc tế để chuyển đổi hoặc nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn.

Năm 2024, thị trường lưu trú Việt Nam ghi nhận sự cải thiện công suất phòng rõ rệt. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Năm 2024, thị trường lưu trú Việt Nam ghi nhận sự cải thiện công suất phòng rõ rệt. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels - nhận xét nguồn cầu phân khúc khách sạn tại Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự tăng trưởng của một số thị trường khách quốc tế đã tích cực hỗ trợ quá trình khôi phục ngành nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, khả năng nắm bắt nguồn cầu sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi khách sạn.

Để gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy hiện nhiều chủ sở hữu đang quan tâm hơn đến việc hợp tác với các nhà điều hành khách sạn quốc tế để chuyển đổi hoặc nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn.

Việc ký kết với các dự án cải tạo, tái định vị thương hiệu giúp các chuỗi khách sạn gia tăng danh mục dự án đang hoạt động tại Việt Nam một cách nhanh chóng hơn. Kể từ sau đại dịch, thị trường ghi nhận nhiều dự án chuyển đổi thương hiệu.

Giai đoạn 2022-2023 đánh dấu tỷ lệ dự án chuyển đổi thương hiệu cao kỷ lục, chiếm đến 52% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế được mở mới trong giai đoạn này.

Xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2024 với con số ước tính khoảng 30% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế mở mới trong năm nay tiếp tục là dự án chuyển đổi thương hiệu.

Ông Mauro Gasparotti chia sẻ làn sóng phát triển khách sạn mang thương hiệu nhà điều hành quốc tế sớm khởi đầu tại Việt Nam vào những năm 2008-2010.

Thông thường một hợp đồng quản lý khách sạn có thời hạn từ 10-15 năm. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hợp đồng quản lý này đã gần hết hạn.

“Một số chủ sở hữu đang cân nhắc gia hạn hợp đồng. Một số khác lại cân nhắc phương án thay đổi thương hiệu khác, đặc biệt trong trường hợp dự án cần cải tạo và có khả năng nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn. So với 10 năm trước đây, ngành khách sạn tại Việt Nam đã phát triển hơn nhiều, vì vậy các nhà điều hành khách sạn cũng sẵn sàng đề xuất thương hiệu cao cấp hơn nếu chất lượng dự án đáp ứng tiêu chuẩn thương hiệu,” ông Mauro Gasparotti nhận xét.

Bà Uyên Nguyễn - Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels - dẫn chứng một số dự án đã ngưng trệ nhiều năm nay cũng đang trao đổi với các nhà điều hành khách sạn để tái khởi động trở lại dưới thương hiệu mới. Điển hình như một số dự án lớn tại khu vực Đà Nẵng và Hà Nội.

Bên cạnh đó, một số khách sạn sau nhiều năm hoạt động cũng đang làm việc với nhà điều hành hiện tại để nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn.

Ví dụ như khách sạn Hilton Hà Nội Opera đang trong quá trình nâng cấp thành dự án mang thương hiệu Waldorf Astoria đầu tiên tại Việt Nam. Hay dự án nghỉ dưỡng Meliá Ba Vì Mountain Retreat sẽ được tái định vị thành Meliá Ba Vì Mountain, Member of Meliá Collection.

Năm 2024, thị trường lưu trú Việt Nam ghi nhận sự cải thiện công suất phòng rõ rệt qua từng tháng, nhờ đó góp phần cải thiện chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có (RevPar).

Từ đầu năm đến nay, chỉ số RevPAR của Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, Savills thông tin.

Theo ông Mauro Gasparotti, tăng trưởng công suất phòng trong năm nay được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của lượng du khách quốc tế đến các điểm đến ven biển.

Điển hình như Nha Trang-Cam Ranh và Phú Quốc đã ghi nhận công suất phòng tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngược với sự tăng trưởng công suất, giá phòng trung bình hiện vẫn thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung khách sạn phân khúc trung cao cấp tại các thị trường như Nha Trang và Phú Quốc giữ mặt bằng giá phòng ở mức cạnh tranh để gia tăng thị phần, nhất là những khách sạn vừa mở cửa sau dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục