30 năm vận hành an toàn lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Trong 30 năm qua, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đã có hơn 37.800 giờ hoạt động an toàn.
30 năm vận hành an toàn lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ảnh 1Đo độ phóng xạ tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả trong 30 năm qua, từ ngày được khôi phục và mở rộng (20/3/1984).

Đến nay, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đã có hơn 37.800 giờ hoạt động an toàn.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng, tổ chức tại thành phố Đà Lạt ngày 20/3, tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt nhấn mạnh chỉ tiêu số giờ hoạt động an toàn của lò phản ứng là một thành tựu lớn.

Cùng với việc vận hành an toàn, lò phản ứng cũng được khai thác có hiệu quả, phục vụ phân tích cho các ngành địa chất, dầu khí, môi trường và xuất khẩu nông sản; đóng góp cho y tế và các ngành sinh học, nông nghiệp; phục vụ quan trắc và đánh giá tác động môi trường.

Đến nay, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu và điều chế thành công khoảng 30 chủng loại đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu để dùng trong y tế và một số ngành kinh tế kỹ thuật khác.

Viện cũng đã tư vấn, thiết kế cho các cơ sở y tế trong nước đầu tư xây dựng các khoa y học hạt nhân và xạ trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh của các khoa y học hạt nhân nói riêng và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các ngành kinh tế kỹ thuật nói chung.

Viện cũng đã thành công trong các nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ để bảo quản thực phẩm, khử trùng và biến tính vật liệu; trong việc sử dụng bức xạ gamma gây đột biến tạo các loại giống cây và hoa mới.

Công nghệ nhân giống in-vitro được thực hiện đối với một số cây hoa và cây trồng đặc sản quý hiếm để cung cấp giống sạch bệnh cho nông dân. Viện đang tham gia vào việc bảo tồn giống, bảo tồn đa dạng tài nguyên thực vật của Lâm Đồng và Tây Nguyên.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt khởi đầu là Lò phản ứng TRIGA Mark II, được xây dựng vào đầu năm 1963 và đạt công suất danh định 250 kWt.

Lò tạm dừng hoạt động trong giai đoạn 1968-1975, đến năm 1975 tất cả các thanh nhiên liệu được tháo dỡ và chuyển trả về Hoa Kỳ.

Tháng 2/1982, với sự hỗ trợ của Liên Xô, Việt Nam khởi công khôi phục, mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và chính thức khánh thành vào ngày 20/3/1984, với công suất danh định 500 kWt.

Bên cạnh Lò phản ứng hạt nhân công suất 500 kWt, dự kiến tới đây tại Đà Lạt sẽ có thêm lò phản ứng nghiên cứu mới với công suất nhiệt lớn hơn nhiều - 15 MWt.

Hiện Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) đang nghiên cứu xây dựng phương án cơ cấu của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân gồm hai cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục