“Bên cạnh các công ty Nhà nước, công ty đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và một số công ty tư nhân quy mô lớn, Việt Nam có rất ít doanh nghiệp tư nhân quy mô trung bình và điều này tạo ra một ‘khoảng trống’ trong nền kinh tế. Chính vì vậy, khả năng tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực từ khu vực FDI còn rất hạn chế.”
Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế chỉ ra những nguyên nhân sâu sắc cản trở sự lan tỏa từ khu vực kinh tế FDI ra các khu vực kinh tế trong nước.
[Ba yếu tố dẫn đến thành công trong thu hút FDI của Việt Nam]
Vấn đề từ về nội tại
Tính đến tháng 8/2018, cả nước có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, các thành tích nổi bật của dòng vốn FDI vào phát triển kinh tế đất nước trong hơn ba thập qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do cách tiếp cận thiếu đầy đủ về tác động của FDI cùng chủ nghĩa thành tích cộng thêm lợi ích cục bộ (của các nhóm, địa phương) có thể làm thêm nguy cơ cũng như những tác động tiêu cực của FDI lên nền kinh tế.
Phân tích cụ thể hơn, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và Quản lý đại học Fulbright Việt Nam chỉ ra vấn đề lớn nhất đối với FDI tại Việt Nam đó là sự tồn tại như “ốc đảo,” khi chưa bám rễ hay tạo ra sự lan tỏa và hình thành các cụm liên kết có khả năng cạnh tranh cao. Trong khi, các doanh nghiệp trong nước đang ở các giai đoạn phát triển ban đầu, chưa tạo ra được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Không nên né tránh, ông Huỳnh Thế Du cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra các giải pháp hiệu quả trong thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới với cách tiếp cận mới.
“Đây là vấn đề của nội tại, với ba trục chính rất lớn là chất lượng giáo dục, khả năng nghiên cứu phát triển gắn với đổi mới sáng tạo và vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ,” ông này nhấn mạnh.
Trên thực tế, hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng còn rất mỏng, do đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam với mục tiêu khai thác lực lượng lao động chi phí thấp.
Hướng đi mới trong bối cảnh mới
Thế giới đang chuyển đổi sâu sắc trong các mối tương tác giữa các khu vực và các nước lớn, do đó Tiến sỹ Huỳnh Thế Du cho rằng, thay vì các địa phương cạnh tranh “xuống đáy” với nhau thì chính sách chung cần tìm ra một giải pháp thấu đáo về thu hút vốn trên bình diện toàn cầu.
Nhìn vào bức tranh thu hút FDI thời gian qua, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng, tìm một hướng đi là hết sức quan trọng. Theo ông, ở đây là tối đa hóa hiệu quả trong thu hút FDI và điều này phức tạp hơn nhiều so với mục tiêu tối đa hóa lượng vốn đầu tư.
Từ đó, ông Thành đưa ra đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. “Chất” thị trường mạnh hơn, hội nhập sâu rộng hơn đồng nghĩa với sự thu hẹp khả năng sử dụng các công cụ can thiệp truyền thống của Nhà nước.
“Nhà nước chuyển trọng tâm sang kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, tiên liệu đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích đầu tư và đổi mới, chuyển giao công nghệ, cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Điều này sẽ tạo ra sự hấp dẫn các dự án FDI có hiệu quả đồng thời thúc đẩy được doanh nghiệp trong nước lớn mạnh,” ông này nói.
Báo cáo “Việt Nam 2035” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, bảo vệ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận các nhân tố sản xuất và giảm thiểu chi phí giao dịch cho doanh nghiệp là những vấn đề cốt lõi trong tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện khung pháp lý, quy trình hành chính và xây dựng bộ máy Nhà nước chuyên nghiệp… quan trọng hơn nhiều so với các ưu đãi về thuế. Thực tế cũng cho thấy, những ưu đãi thuế không phải là nhân tố có nhiều ý nghĩa trong thu hút FDI.
Một điểm nhấn khác được ông Thành đề cập là việc tận dụng những lợi ích và khả năng song hành cùng cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, ông đưa kiến nghị, Chính phủ cần tạo dựng một khung khổ pháp lý thích hợp cùng sự thực thi quyết liệt thực trong các vấn đề liên quan đến chính sách cạnh tranh và thu hút FDI công nghệ.
“30 năm thu hút FDI với nhiều ‘gam màu sáng’ đáng trân trọng. Dòng vốn FDI là một khu vực quan trọng trong nền kinh tế và tiến trình phát triển đất nước. Và trong bối cảnh mới, Việt Nam rất cần ‘tư duy lại’, ‘thiết kế lại’ cả về cách nhìn nhận và cách thu hút FDI. Vấn đề đặt ra cần có đủ bản lĩnh và hành động quyết liệt vì một nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng, khu vực tư nhân lớn mạnh và phát triển bền vững,” ông Thành tâm huyết nói./.