30 năm thu hút FDI: Ngành công nghiệp giải khát hấp dẫn nhà đầu tư

Một người Việt Nam hiện tiêu thụ trung bình trên 23 lít nước ngọt mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tăng trong những năm tới nên Việt Nam sẽ là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Dây chuyền sản xuất nước ngọt Coca-Cola. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1994, Coca-Cola hiện là một trong những thương hiệu quốc tế về đồ uống nổi tiếng được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích.

Nhân kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Sanket Ray - Giám đốc điều hành Coca-Cola Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn về chặng đường đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam.

- Là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư khá lâu tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong môi trường kinh doanh cũng như các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua?

Ông Sanket Ray: Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước duy trì đà tăng trưởng và đạt hiệu quả tốt.

Là một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi (Coca-Cola) đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam kể từ ngày đầu hoạt động. Với các chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh đã cho phép chúng tôi tiếp tục sứ mệnh hướng tới tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều sản phẩm có chất lượng dành cho người tiêu dùng, cũng như thực hiện các hoạt động cộng đồng.

- Xin ông hãy đánh giá về tiềm năng tăng trưởng ngành công nghiệp giải khát của Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Sanket Ray: Một người Việt Nam trung bình tiêu thụ trên 23 lít nước ngọt mỗi năm, với số lượng dự kiến sẽ tăng trong những năm tới. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, triển vọng tăng trưởng ngành công nghiệp giải khát của Việt Nam sẽ cao gấp ba lần so với các nước châu Á khác. Do đó, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

- Trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola có gặp phải những thách thức, khó khăn gì không?

Ông Sanket Ray: Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình là một đối tác tin cậy và quan trọng của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia hội nhập và có tính cạnh tranh cao, đi kèm khả năng phát triển bền vững, toàn diện.

Chúng tôi đánh giá cao chính sách đầu tư mở của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách đưa ra khung chính sách pháp lý ổn định và nhất quán hơn.

Đối với vấn đề về chuỗi cung ứng, chúng tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới hơn nữa về công nghệ và các danh mục sản phẩm để Coca-Cola có thể "kết nạp" họ vào trong chuỗi cung ứng của mình.

[30 năm thu hút FDI: Sự “kết duyên” của doanh nghiệp ngoại và nội]


- Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đang hoạt động khá độc lập với khối doanh nghiệp địa phương, điều này đã làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội học hỏi lẫn nhau của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo ông, làm thế nào để tăng cường sự kết nối trên?

Ông Sanket Ray: Để nối dài sợi dây liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, chúng ta cần có sự đồng thuận và nỗ lực từ hai phía. Phía doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cấp công nghệ và khả năng học hỏi kiến thức khoa học, công nghệ từ bên ngoài (hay còn gọi là khả năng hấp thụ) để nâng cao năng lực sản xuất. Đối với doanh nghiệp nước ngoài phải chủ động tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các SME này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và cần sự hỗ trợ để tăng cường hoạt động, tận dụng công nghệ, cũng như phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý của họ.

Theo tôi, để có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực chủ động kết nối và thay đổi công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý đồng thời đưa ra những sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

- Xin ông hãy chia sẻ về định hướng kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của Coca- Cola tại Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Sanket Ray: Là một nhà đầu tư nước ngoài có vốn lên đến 1 tỷ USD tại Việt Nam, cam kết lâu dài của Coca-Cola đối với sự phát triển của Việt Nam được phản ánh qua những dự án đầu tư liên tục. Coca-Cola đang hướng tới việc định hình lại chiến lược tăng trưởng cũng như mô hình hoạt động sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và thói quen mua sắm, đồng thời mang đến nhiều loại thức uống mới thú vị cho người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phát triển của Việt Nam, từ đó tạo ra những tác động tích cực đến cuộc sống hàng ngày của công dân Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi cũng tham gia thực hiện dự án mang nguồn nước sạch và an toàn đến gần hơn với cộng đồng; phát triển khả năng của địa phương nhằm đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu; và hỗ trợ trao quyền cho phụ nữ cũng như khởi nghiệp thành công.

Ngoài việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nguồn lực địa phương, trong chiến lược phát triển bền vững của mình, Coca-Cola cũng tập trung vào các mục tiêu quan trọng khác. Chúng tôi đã hợp tác với các đối tác để khởi động sáng kiến "Không xả thải ra thiên nhiên" hướng tới bốn mục tiêu là giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình hình thành và thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng nền kinh tế tuần hoàn và khuyến nghị các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Trong đó, sáng kiến EKOCENTER toàn cầu - sáng kiến nhằm cung cấp nước uống sạch và an toàn cho người dân ở một số địa phương do Coca-Cola khởi xướng, đã cung cấp khoảng 3 triệu lít nước sạch đến cho người dân ở chín tỉnh thành trên toàn quốc và con số này sẽ tiếp tục được mở rộng vào năm tới.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục