30 năm thu hút FDI: Ghi nhận tích cực từ cộng đồng quốc tế

Hàng loạt các tập đoàn lớn nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực đã có mặt ở Việt Nam với các dự án đầu tư hàng tỷ USD, trong đó phải kể đến Samsung, Intel, Canon, Coca-Cola...
30 năm thu hút FDI: Ghi nhận tích cực từ cộng đồng quốc tế ảnh 1Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Hàng loạt các tập đoàn lớn nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực đã có mặt ở Việt Nam với các dự án đầu tư hàng tỷ USD, trong đó phải kể đến Samsung, Intel, Canon, Coca-Cola... Đáng nói là hầu hết các tập đoàn này đều đang muốn mở rộng và đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Có được điều này cách đây 30 năm là một điều không tưởng và ít nhà hoạch định chính sách cũng như nhà kinh tế lạc quan nào có thể nghĩ tới. Nhưng nó khởi nguồn từ một quyết định mang tính lịch sử, đó là việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Đây là dấu mốc quan trọng tạo điều kiện để Việt Nam mở cửa, hội nhập, đón dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Để cùng nhìn nhận rõ hơn về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 30 năm qua cũng như định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã ghi nhận các ý kiến từ đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và một số doanh nghiệp FDI lớn đang đầu tư tại Việt Nam như Canon, Coca-cola, FedEx.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: FDI - mảnh ghép thành công của bức tranh kinh tế

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút FDI và nguồn vốn này đã đóng góp cho nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau, trong đó phải kể đến vai trò của FDI với quá trình công nghiệp hóa đất nước. Việt Nam có lượng FDI đầu tư nhiều vào lĩnh vực chế tạo, góp phần xây dựng năng lực sản xuất tại một loạt ngành nghề như điện tử cùng nhiều ngành công nghiệp truyền thống khác như may mặc và giày dép...

Ngoài ra, dòng vốn FDI là cũng là yếu tố hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn. FDI giúp kiến tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm có hiệu suất cao cùng mức lương hấp dẫn.

Do đó, tôi cho rằng thu hút FDI là một mảnh ghép rất thành công trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong vòng 3 thập kỷ qua.

Việt Nam đã và sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về khả năng thu hút FDI. Mặc dù vậy, có một lưu ý quan trọng đó là vẫn có nhiều nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam hiện được phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng. Vì thế, khi nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh vì Việt Nam chỉ đang đóng vai trò là nơi lắp ráp cuối cùng.

Tôi cho rằng Việt Nam cần chuyển hướng sang thu hút FDI vào những phân khúc cao hơn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, và đặc biệt là chú trọng vào sản xuất những thành phẩm có giá trị lớn.

Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc đầu tư vào phát triển các kỹ năng và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối, bởi vì các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay được vận hành theo hướng rất chặt chẽ và kịp thời. Do đó, nền tảng cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được những yêu cầu đó, cả về mặt hữu hình, (ví dụ như hệ thống cảng biển, đường sắt và mạng lưới giao thông), và hạ tầng về mặt vô hình (ví dụ như quy trình xử lý các thủ tục hải quan, hành chính).

Ông Sanket - Giám đốc điều hành Coca-Cola Việt Nam: Nối dài sợi dây liên kết

Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước duy trì đà tăng trưởng và đạt hiệu quả tốt.

Là một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam kể từ ngày đầu hoạt động. Với các chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh đã cho phép chúng tôi tiếp tục sứ mệnh hướng tới tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều sản phẩm có chất lượng dành cho người tiêu dùng, cũng như thực hiện các hoạt động cộng đồng.

Chúng tôi đánh giá cao chính sách đầu tư mở của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách đưa ra khung chính sách pháp lý ổn định và nhất quán hơn.

Đối với vấn đề về chuỗi cung ứng, chúng tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới hơn nữa về công nghệ và các danh mục sản phẩm để Coca-Cola có thể "kết nạp" họ vào trong chuỗi cung ứng của mình.

Để nối dài sợi dây liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, chúng ta cần có sự đồng thuận và nỗ lực từ hai phía. Phía doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cấp công nghệ và khả năng học hỏi kiến thức khoa học, công nghệ từ bên ngoài (hay còn gọi là khả năng hấp thụ) để nâng cao năng lực sản xuất.

[30 năm thu hút FDI: Nâng tầm tiếp cận nền công nghệ thế giới]

Đối với doanh nghiệp nước ngoài, phải chủ động tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các SME này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và cần sự hỗ trợ để tăng cường hoạt động, tận dụng công nghệ, cũng như phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý của họ.

Theo tôi, để có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực chủ động kết nối và thay đổi công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý đồng thời đưa ra những sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại và vận tải toàn cầu FedEx khu vực Đông Dương: Tăng khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam là một thị trường mới nổi năng động và phát triển nhanh chóng. Để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa từ các ngành sản xuất trọng điểm của Việt Nam thì cơ sở hạ tầng cần được đầu tư để đáp ứng các nhu cầu đang lên này. Đó sẽ là hệ thống hạ tầng như đường sá, sân bay, cảng biển để tạo nên nền tảng cho một hệ thống thương mại toàn cầu hiệu quả.

30 năm thu hút FDI: Ghi nhận tích cực từ cộng đồng quốc tế ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với một mạng lưới cơ sở hạ tầng vững chắc, các nhà xuất khẩu có thể tiếp cận được các đối tác toàn cầu, và người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận hàng hóa nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới.

Để nâng cao khả năng liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, họ cần có cơ hội tiếp cận mạng lưới và dịch vụ toàn cầu.

Ông Keisuke Taniguchi, Phó Giám đốc cấp cao, Ban quản lý hành chính, Công ty trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam: Kỳ vọng 4.0 hóa

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Đặc biệt, Chính phủ đã nhận thức và bãi bỏ, cắt giảm một số thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp, như thủ tục thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội...

Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách để giữ ổn định luật pháp, thể chế để làm sao các doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất; đồng thời, đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực để cung cấp ổn định và đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho doanh nghiệp.

Đối với vấn đề chuyển giao công nghệ, chúng tôi đã và đang tích cực chuyển giao công nghệ cho các nhà cung cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa nhiều và mới chỉ ở dạng tiềm năng vì thực sự các nhà cung cấp của Việt Nam vẫn chưa quyết tâm hay có tầm nhìn lớn để chúng tôi có thể tin tưởng chuyển giao các công nghệ và cùng chúng tôi mở rộng hoạt động sản xuất...

Trong thời gian tới, với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần có định hướng thu hút FDI để đón đầu cuộc cách mạng này. Các doanh nghiệp FDI đang có định hướng và kỳ vọng xây dựng những nhà máy 4.0 để hạn chế những rủi ro do chi phí nhân công tăng lên. Vì vậy, Việt Nam cần có hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng cho điều này.

Thực tế, nếu vận hành bằng máy móc, áp dụng máy móc hiện đại trong sản xuất nhưng không có những con người có thể điều khiển được hệ thống máy móc ấy thì cũng không vận hành được. Nếu có được nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy, Việt Nam mới có thể kỳ vọng 4.0 hóa được trong thời gian tới.

Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam cùng với các doanh nghiệp cũng nỗ lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng năng suất lao động và hướng tới mục tiêu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục