30 năm thu hút FDI - Bài 2: Sàng lọc để "nâng chất" dự án đầu tư

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh song Đồng Nai kiên quyết loại bỏ những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thẩm định kỹ dự án trước khi cấp phép
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Để trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài, những năm qua, Đồng Nai không “xé rào,” không đưa ra chính sách ưu đãi ngoài quy định của pháp luật mà tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, coi thành công của doanh nghiệp là thắng lợi của địa phương.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh song Đồng Nai kiên quyết loại bỏ những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thẩm định kỹ dự án trước khi cấp phép.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, lũy kế đến nay, tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai có hơn 1.200 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn hơn 23 tỷ USD.

[Tỉnh Đồng Nai đã giải ngân hơn 400 triệu USD vốn FDI]

Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm, tỉnh thu hút được hơn 1,7 tỷ USD vốn FDI. Ngoài thu hút các tập đoàn lớn, Đồng Nai còn chú trọng mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trung bình, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện 80% doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh có số vốn từ 10 triệu USD trở lên.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, cho hay trong thu hút FDI, Đồng Nai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không đề ra những ưu đãi mang tính địa phương.

Nhà đầu tư quyết định gắn bó lâu dài, đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh là vì chính quyền đồng hành cùng họ. Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều buổi đối thoại nhằm giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, liên hệ với các tỉnh như Nghệ An, Đồng Tháp để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; Đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi, xã hội.

Ông Nhơn chia sẻ tại Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, khi doanh nghiệp đến xin cấp phép đầu tư, nếu hồ sơ của họ chưa đầy đủ, Ban vẫn nhận và đề nghị họ bổ sung sau.

Từ năm 2017 đến nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp nhận gần 1.500 hồ sơ xin cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, toàn bộ số hồ sơ này đều được trả trước và đúng hạn.

Với vấn đề liên quan đến sở, ngành khác, Ban tìm hiểu, hướng dẫn doanh nghiệp cách giải quyết. Đây là những việc đơn giản, nhưng với nhà đầu tư nước ngoài thì có ý nghĩa rất lớn.

Trước đây, do nhu cầu giải quyết việc làm nên khi cấp phép đầu tư, doanh nghiệp sử dụng trên 5.000 lao động là sẽ được tỉnh ưu tiên. Những năm gần đây, tỉnh không ưu ái cho nhưng dự án sử dụng đông lao động, loại bỏ dự án công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, ưu tiên dự án công nghệ cao, nguồn vốn lớn.

Với chủ trương nâng chất thu hút đầu tư, từ năm 2014 đến nay, Đồng Nai đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật cao. Gần 5 năm qua, tỉnh chỉ cấp phép cho 15 dự án FDI thuộc lĩnh vực ngành nghề có điều kiện (dệt nhuộm, xi mạ), riêng tám tháng của năm 2018, có một dự án được cấp phép.

Theo ông Mai Văn Nhơn, năm 2014, để tạo ra một việc làm, nhà đầu tư phải bỏ 50.000 USD, đến năm 2018, con số này tăng lên 80.000 USD. Trước đây, nhà đầu tư bỏ ra 10 triệu USD để mở nhà máy, họ sử dụng khoảng 500 lao động, nay cũng số tiền đó, nhưng họ chỉ sử dụng 300 lao động, phần lớn vốn được chi cho việc nhập máy móc, trang thiết bị. Đây là thành quả lớn, chứng tỏ khi vào Đồng Nai nhà đầu tư đã bỏ ra chi phí lớn hơn để nhập công nghệ phục vụ sản xuất.

Những năm qua, tại Đồng Nai tồn tại tình trạng nhà đầu tư bỏ ra ít vốn, họ thuê máy móc, nhà xưởng rồi sản xuất kinh doanh. Có doanh nghiệp thuê diện tích đất lớn, nhưng chỉ sử dụng một ít đất xây nhà xưởng, số còn lại họ để dành.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai buộc nhà đầu tư giải trình về các loại máy móc sẽ nhập khẩu.

Nếu nhà đầu tư thuê nhiều đất, nhưng không có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong tương lai thì tỉnh sẽ cắt giảm diện tích, dành đất cho các dự án khác.

Theo ông Nhơn, đối với nhà đầu tư, Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là hệ thống giao thông. Hạ tầng giao thông trong các khu công nghiệp rất tốt, nhưng bên ngoài chưa tương xứng, những con đường dẫn vào các khu công nghiệp như Hố Nai, Sông Mây (huyện Trảng Bom), Long Bình, Tam Phước (thành phố Biên Hòa), Thạnh Phú-Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) rất nhỏ hẹp, chậm được mở rộng.

Trong tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, Dầu Giây (cao tốc Bến Lức-Long Thành đang xây dựng), nhưng việc kết nối giao thông từ các khu công nghiệp với những tuyến đường này đang thiếu.

Tới đây, song song cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, Đồng Nai sẽ phối hợp cùng các cơ quan Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng các dự án trọng điểm như Sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết; Dầu Giây-Liên Khương; Biên Hòa-Vũng Tàu; đường Vành đai 3 Tân Vạn-Nhơn Trạch. Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư các tuyến giao thông kết nối liên huyện Trảng Bom-Vĩnh Cửu, Trảng Bom-Thống Nhất, Long Thành-Cẩm Mỹ và hệ thống đường nhánh kết nối khu vực Sân bay quốc tế Long Thành.

Ông Mai Văn Nhơn bày tỏ so với các tỉnh thành khác, Đồng Nai có nhiều lợi thế trong thu hút FDI, tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng trong tỉnh không có chính sách phù hợp, chậm đầu tư cơ sở hạ tầng thì những lợi thế tự nhiên của tỉnh sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

Với phương châm giao thông phải đi trước một bước, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, những năm tới, Đồng Nai sẽ nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, việc thu hút vốn FDI sẽ khởi sắc hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục