30 Doanh nghiệp Hong Kong đến Cần Thơ tìm hiểu mua gạo

30 Doanh nghiệp Hong Kong đến Cần Thơ tìm hiểu mua gạo

Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong (Trung Quốc) bày tỏ mong muốn tìm hiểu về các giống gạo của Việt Nam cũng như chia sẻ thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở thành phố Cần Thơ.
30 Doanh nghiệp Hong Kong đến Cần Thơ tìm hiểu mua gạo ảnh 1Một số giống lúa và gạo mẫu của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long được giới thiệu với các doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ngày 5/11, đoàn 30 doanh nghiệp nhập khẩu gạo thuộc Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo của Hong Kong (Trung Quốc) đã đến tìm hiểu mua gạo tại thành phố Cần Thơ.

Trong 2 ngày ở Cần Thơ, các doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) dự hội thảo giao thương do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức chiều 5/11 và tham gia khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ 2019 sẽ diễn ra vào sáng 6/11.

Phát biểu tại hội thảo có sự góp mặt của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Cần Thơ và các nhà nhập khẩu Hong Kong chiều 5/11, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong những năm gần đây, Hong Kong là một trong những thị trường quan trọng của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Việt Nam cũng là một trong hai quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất vào Hong Kong (Trung Quốc), chủ yếu là các loại gạo thơm như Jasmine, Nàng Hoa, KDM…

Theo ông Kiên, VFA xác định Hong Kong là thị trường trọng tâm của các sản phẩm gạo cao cấp của Việt Nam. Năm 2020, dự kiến khối lượng gạo mà Hong Kong (Trung Quốc) có nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam sẽ nằm trong khoảng từ 90.000-120.000 tấn. Theo số liệu hải quan, 9 tháng của năm 2019, thị trường này đã nhập khẩu khoảng 90.000 tấn gạo từ Việt Nam, phần lớn là gạo thơm với giá cao hơn nhiều so với các thị trường khác.

Để có thể đưa được gạo sang thị trường vốn đòi hỏi rất khắt khe này, ông Kiên khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chú ý khâu chế biến, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu của khách hàng Hong Kong để từ đó có định hướng cụ thể," Phó Chủ tịch VFA nói.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên, một số giống gạo thơm mới cũng như quy trình sản xuất đã đạt tiêu chuẩn tốt nhất hiện nay của các nhà máy đã được quảng bá tới những đơn vị nhập khẩu gạo của Hong Kong trong lần này.

30 Doanh nghiệp Hong Kong đến Cần Thơ tìm hiểu mua gạo ảnh 2Ông Kenneth Chan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Theo lãnh đạo VFA, bên cạnh việc chú trọng chất lượng, ngành gạo Việt Nam cũng đang chú trọng xây dựng các cánh đồng liên kết với nông dân theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Organic (USDA - Mỹ, EU, Nhật), Global GAP, SRP (tiêu chuẩn sản xuất gạo bền vững do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cùng Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế sáng lập và vận hành) đối với thị trường Hong Kong (Trung Quốc).

Ông Kenneth Chan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, Hiệp hội này được thành lập cách đây 100 năm, vào năm 1919. Hiện Hiệp hội có 52 thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến lúa gạo như như nhập khẩu, bán sỉ, kinh doanh cũng như các dịch vụ hậu cần.

Nói về mục đích của chuyến đi tới Cần Thơ lần này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong (Trung Quốc) bày tỏ mong muốn tìm hiểu về các giống gạo của Việt Nam cũng như chia sẻ thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở thành phố Cần Thơ.

[Cần Thơ-Hải Phòng ký kết hợp tác chung về phát triển du lịch]

Theo ông Kenneth Chan, Hong Kong (Trung Quốc) hiện đang nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam; trong đó có lúa gạo. Sau cuộc khủng hoảng gạo thế giới vào năm 2008, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng đột biến, từ 0,5% năm 2008 lên tới 42% vào năm 2013, tăng 41,5% chỉ trong vòng 6 năm.

Thống kê 9 tháng năm 2019 cho thấy gạo Việt Nam vẫn chiếm 30% trong tổng lượng gạo nhập nhẩu của Hong Kong (Trung Quốc). “Điều này thể hiện tính cạnh tranh mạnh mẽ và sự phổ biến của các giống gạo Việt Nam tại thị trường Hong Kong-" ông Kenneth Chan nói.

Báo cáo của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho thấy, các mặt hàng mà Cần Thơ giao thương với Hong Kong là gạo, thủy sản, may mặc, nông sản chế biến… với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2019 đạt 29,6 triệu USD. Kim ngạch của mặt hàng gạo là hơn 6,6 triệu USD với các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm, gạo nếp, gạo Japonica…

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho biết, hiện Cần Thơ có 41 doanh nghiệp có giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo với năng lực chế biến trên 17.000 tấn gạo/ngày. Tổng sức chứa kho của các doanh nghiệp này là 400.000 tấn thóc và hơn 800.000 tấn gạo. Ngoài lượng gạo xuất khẩu, Cần Thơ còn có khả năng cung ứng từ 1-2 triệu tấn gạo mỗi năm cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo ông Toại, với lợi thế là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuận lợi cho việc vận chuyển tập trung nguyên liệu từ các địa phương lân cận, Cần Thơ có khả năng xuất khẩu khoảng 1-1,2 triệu tấn gạo/năm, áp dụng quy trình sản xuất Global GAP, hệ thống quản lý chất lượng  ISO 9001:2008, 22000:2005, HACCP.

30 Doanh nghiệp Hong Kong đến Cần Thơ tìm hiểu mua gạo ảnh 3Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu gạo Hong Kong (Trung Quốc) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Cùng với đó, các doanh nghiệp của Cần Thơ cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, có nhiều sản phẩm gạo ngon, có thể đáp ứng yêu cầu của các thị trường như Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, châu Âu.

Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ mong muốn doanh nghiệp của hai bên sẽ tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hong Kong đã có hiệu lực từ 11/6/2019 để đẩy mạnh tăng trưởng thương mại hai chiều, chia sẻ về nhu cầu tiêu thụ cũng như khả năng cung cấp, tạo được quan hệ hợp tác giao thương uy tín, lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục