Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng 22/4, tại Hà Nội, trên cơ sở chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng, đã có 3 tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD.
Các dự án gồm: sản xuất công nghiệp nặng và logistics của nhà đầu tư Hàn Quốc, với số vốn dự kiến 1,6 tỷ USD; sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo của nhà đầu tư Cộng hòa Liên bang Đức, với số vốn dự kiến 1,5 tỷ USD; Sản xuất trang thiết bị y tế của nhà đầu tư Nhật Bản, với số vốn dự kiến 600 triệu USD.
[Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh hướng đến chuẩn của OECD]
Tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit nhận định dù phải đối mặt với một số rào cản, nhưng Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư.
Ông Gabor Fluit khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
“Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cam kết sẵn sàng sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng quốc gia thịnh vượng và kiên cường, hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh,” Chủ tịch Eurocham khẳng định.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến và Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Khảo sát của JETRO cho thấy, 47% doanh nghiệp được hỏi sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.
Tuy nhiên, đại diện Jetro phản ánh 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có xu hướng chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ là 47%. Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức. Các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch.
“Chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư, JETRO sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ví dụ như hợp tác với Denso, Nagase và Gakken… Chúng tôi mong muốn chứng kiến nhiều hơn dòng vốn FDI vào các vùng như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương,” ông Takeo Nakajima cho biết.
Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn và đầu tư mới nếu môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và công ty tài chính, năng lượng.
Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Samsung đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái.
Các công ty như: Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ôtô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.
Để đón làn sóng đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết, trong đó chuẩn bị sẵn các “gói” chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Trong dài hạn, Việt Nam tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy giải ngân mọi nguồn vốn đầu tư; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực"./.