Nhóm nhân viên của Tập đoàn Đèo Cả chặn xe, cản trở phóng viên tác nghiệp. (Ảnh TTXVN phát)
Sáng 29/5, trong lúc phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cùng 2 phóng viên (Báo Dân trí, Báo Tri thức và Cuộc sống) đi thực địa, xác minh phản ánh của người dân về việc nhiều diện tích rừng trồng theo Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững (KFW6) ở thôn Thanh Sơn (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị phá, một nhóm người của Tập đoàn Đèo Cả đến cản trở tác nghiệp.
Theo phóng viên Q.Tr (Báo Dân trí), trong lúc các phóng viên đang tác nghiệp tại đập Huân Phong (xã Phổ Cường), bất ngờ có 2 nhân viên của Tập đoàn Đèo Cả đến hiện trường.
Những người này cho rằng phóng viên ghi hình khu vực công trường do Tập đoàn Đèo Cả thi công và yêu cầu xuất trình giấy tờ, mở hình ảnh trong flycam.
Phóng viên đã từ chối các yêu cầu nói trên vì xác định đây là khu vực nằm ngoài phạm vi thi công công trình và cũng không phải khu vực cấm ghi hình.
Khi các phóng viên rời khu vực đập Huân Phong để đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Phổ Cường đăng ký làm việc thì bất ngờ bị nhóm 6 người của Tập đoàn Đèo Cả từ khu vực nhà điều hành dự án lao ra chặn đường, lôi kéo, không cho di chuyển.
Nhóm người này yêu cầu các phóng viên phải vào bên trong nhà điều hành để làm việc.
Mặc dù phóng viên giải thích hiện tại chưa có nội dung cần đăng ký làm việc với Tập đoàn Đèo Cả, mặt khác việc chặn xe là hành vi vi phạm pháp luật song nhóm người của Tập đoàn Đèo Cả vẫn hung hăng kéo tay lái khi xe đang chạy, bắt phóng viên đứng giữa đường trong thời tiết nắng gắt.
Sự việc chỉ được giải quyết khi phóng viên báo cáo và được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Đức Phổ hỗ trợ.
[Hòa Bình chỉ đạo làm rõ thông tin phóng viên bị cản trở tác nghiệp]
Phóng viên Q.Tr. cho biết thêm Công an xã Phổ Cường đã lập biên bản sự việc. Nhóm phóng viên đã cung cấp cho cơ quan công an hình ảnh, video liên quan.
Việc nhóm người chặn đường, lôi kéo, ngăn cản di chuyển như trên là hành vi cản trở phóng viên khi tác nghiệp, cần được làm rõ và xử lý theo đúng quy định.
Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững (KFW6) trồng các loại cây bản địa như Lim, Sao đen... được triển khai ở xã Phổ Cường từ năm 2006 với diện tích 300ha do Chính phủ Đức tài trợ nhằm phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đất và nguồn nước, góp phần tạo thu nhập cho người dân từ trồng rừng.
Năm 2015, Dự án kết thúc, diện tích rừng ở địa phương được giao cho người dân chăm sóc, quản lý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích rừng này liên tục bị chặt phá để trồng cây keo./.