3 năm EVFTA: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nước Bắc Âu

Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp EU nói chung và Bắc Âu nói riêng nhờ thị trường gần 100 triệu dân, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh cùng lực lượng lao động trẻ.
3 năm EVFTA: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nước Bắc Âu ảnh 1Hiệp định EVFTA giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận dễ hơn tới thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhờ những ưu đãi theo Hiệp định Thuơng mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam nổi lên như một điểm chuyển dịch hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong Liên minh châu Âu (EU) nói chung và ở Bắc Âu nói riêng.

Không chỉ thu hút đầu tư từ các nước châu Âu, Việt Nam cũng thông qua EVFTA đẩy mạnh được việc “xuất khẩu tại chỗ."

Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại châu Âu về hiệu quả mà hiệp định EVFTA mang lại cho giao thương giữa Việt Nam với các nước Bắc Âu sau 3 năm có hiệu lực (1/8/2020-1/8/2023).

Về hiệu quả của EVFTA đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho rằng hiện khó có thể đánh giá đúng mức tác động của EVFTA với hàng hóa xuất khẩu sang EU nói chung và khu vực Bắc Âu nói riêng do Hiệp định được bắt đầu thực thi vào đúng giai đoạn bất ổn của kinh tế thế giới (ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sau đó là xung đột Nga-Ukraine).

Những bất ổn này đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, tiếp đến là khủng hoảng năng lượng và lương thực, lạm phát tăng cao, người dân cắt giảm chi tiêu…

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng EVFTA chắc chắn giúp giảm nhẹ các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và về lâu dài sẽ dần phát huy hiệu quả.

Bà Hoàng Thuý dẫn số liệu thống kê của các nước Bắc Âu cho biết đối với thị trường Bắc Âu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này giai đoạn 2020-2022 không bị sụt giảm, kể cả thời điểm khó khăn nhất do đại dịch COVID-19, và đạt mức tăng trung bình 14,7%/năm.

Tuy nhiên, do là thị trường nhỏ và với vị trí địa lý xa xôi, các nước Bắc Âu thường nhập khẩu nội khối (chiếm trên 70% kim ngạch nhập khẩu).

Theo bà Hoàng Thuý, mặc dù EVFTA đã giúp hàng hóa Việt Nam hiện diện ngày càng nhiều hơn ở thị trường Bắc Âu, song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước khu vực chưa tăng trưởng tương xứng do các nước này vẫn chủ yếu nhập khẩu hàng Việt Nam qua các nước trung gian khác trong EU, như Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp hay Ba Lan.

Đối với mặt hàng nông thủy sản, mặc dù thị phần của Việt Nam chưa nhiều, nhưng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2020-2022 sau khi EVFTA có hiệu lực đều tăng hằng năm, như gạo tăng trung bình 26,2%, thủy sản tăng 9,1%, hạt tiêu tăng 14,1%, càphê tăng 12,2%...

Đặc biệt đối với mặt hàng gạo tại Thụy Điển, từ chỗ hầu như vắng bóng với kim ngạch chỉ vài chục nghìn USD, nhưng tới năm 2022 đã đạt mức trên 4 triệu USD.

Cũng theo Tham tán Hoàng Thuý, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan trước hết phải tuân thủ các quy định về xuất xứ từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu.

Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, do đó đây sẽ là một khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy định khắt khe khác, như vấn đề môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật…

Theo bà, vượt qua được những khó khăn này, hàng hóa của Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Bắc Âu nói riêng và thị trường EU nói chung.

3 năm EVFTA: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nước Bắc Âu ảnh 2 xuất khẩu hàng triệu sản phẩm sang thị trường EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là Bắc Âu là thị trường xa, chưa có đường bay thẳng kết nối với Việt Nam, cũng như chưa có các hợp tác về cảng biển và cảng hàng không.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng xuất khẩu của chúng ta chưa tận dụng được hết cơ hội do EVFTA đem lại.

Ở chiều ngược lại, theo bà Hoàng Thuý, các doanh nghiệp Bắc Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vận hành tương đối khép kín, ưu tiên thị trường trong nước và các thị trường các nước châu Âu xung quanh.

Nhưng do nhiều biến động liên tục của thế giới trong mấy năm gần đây, các doanh nghiệp Bắc Âu cũng đang phải hướng ra bên ngoài nhằm đối phó với tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất và vận tải.

Một mặt, các doanh nghiệp này duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất trong nước và các thị trường xung quanh, mặt khác, chủ động tìm kiếm các thị trường mới, chuyển dịch đầu tư, thương mại.

[EVFTA: Tận dụng lợi thế đưa hàng Việt vào các thị trường cao cấp]

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm chuyển dịch hấp dẫn do có Hiệp định EVFTA.

Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp EU nói chung và Bắc Âu nói riêng nhờ thị trường gần 100 triệu dân, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh và lực lượng lao động trẻ.

Ngoài ra, các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, cũng như xu hướng “Trung Quốc +1”  cũng là yếu tố quyết định chính để kéo sự chuyển dịch của các nước Bắc Âu về Việt Nam.

Các doanh nghiệp Bắc Âu bắt đầu quan tâm đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Đan Mạch nổi lên là một nhà đầu tư mới. Chỉ riêng tập đoàn Lego trong năm 2022 đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Đại diện Thương vụ ở Bắc Âu nhận định các doanh nghiệp đang có xu hướng muốn chuyển dịch đầu tư nhà máy để sản xuất tại Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi từ EVFTA khi xuất khẩu ngược lại vào thị trường EU.

3 năm EVFTA: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nước Bắc Âu ảnh 3Lễ khởi công xây dựng nhà máy Lego với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Việc này vừa giúp Việt Nam thu hút đầu tư, vừa đẩy mạnh được việc “xuất khẩu tại chỗ.” Việc các doanh nghiệp lớn, phát triển bền vững như Lego đầu tư vào Việt Nam cũng có giá trị lan toả, giúp khuyến khích các doanh nghiệp các nước khác tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Để vượt qua những khó khăn cũng như phát huy tối đa lợi ích từ EVFTA, theo bà Hoàng Thuý, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường, các yêu cầu bổ sung của nhà nhập khẩu, bởi các nhà nhập khẩu phần lớn dựa vào nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.

Các nước Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn của người sử dụng. Trong thời gian tới, rất nhiều quy định mới sẽ ra đời đều hướng tới hai mối quan tâm này, đặc biệt là Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tìm hiểu, đánh giá tác động tiềm năng của các chính sách mới đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc áp dụng các biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế, cân nhắc việc thay đổi mô hình sản xuất, chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất.

Trong quá trình đó, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển phụ trách khu vực Bắc Âu luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để tận dụng từng cơ hội do EVFTA mang lại, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường và có riêng một chuyên mục về EVFTA trên trang web của Thương vụ tại địa chỉ https://vietnordic.com/.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối giao thương thường xuyên được tiến hành, Thương vụ cũng tích cực quảng bá về EVFTA cho các nhà nhập khẩu khu vực Bắc Âu để họ nhận ra lợi ích của hiệp định, từ đó tự động chuyển sang nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục