Trong thời gian qua, Việt Nam đã thành công trong việc đưa một số mặt hàng nông sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), trong đó có hải sản, một số mặt hàng nông sản tươi và đặc biệt là gạo.
Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến kết quả tích cực này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Trần Ngọc Quân cho biết trung bình hằng năm, EU nhập khẩu từ 1,7 triệu đến 2 triệu tấn gạo các loại. Trong tổng lượng gạo nhập khẩu, EU phân bổ hạn ngạch nhất định cho tất cả các quốc gia, đơn cử như trong nhóm xuất khẩu hàng đầu vào thị trường này, Ấn Độ cung ứng 496.000 tấn, Pakistan 315.000 tấn và Thái Lan 195.000 tấn. Ngoài ra, EU còn nhập khẩu gạo từ Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, và cả Italy…
Theo ông Trần Ngọc Quân, cạnh trên thị trường gạo EU khốc liệt không chỉ vì vấn đề hạn ngạch mà còn vì thuế rất cao. Riêng đối với Việt Nam, mặt hàng này nằm trong nhóm được hưởng mức thuế quan 0% theo hạn ngạch thuế quan quy định trong EVFTA.
Đây là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam ở châu Âu nếu Việt Nam khai thác tốt thị trường và đáp ứng được các tiêu chuẩn. Trong năm vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 97.000 tấn gạo sang EU, tăng 65% so với năm 2021.
Ông Trần Ngọc Quân cũng lưu ý, gạo có rất nhiều tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây từng có một số lô hàng gạo của Việt Nam vào EU phải thu hồi do vượt ngưỡng dư lượng thuốc này. Vì vậy, gạo xuất khẩu vào EU cần vượt qua các khâu kiểm soát chặt chẽ.
Ngay cả khi sản phẩm đã lên kệ, phía EU vẫn thường xuyên kiểm tra. Trong trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn, các sản phẩm sẽ bị thu hồi, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.
Đề cập đến xuất khẩu hàng hóa nói chung của Việt Nam vào thị trường châu Âu thời gian qua, ông Trần Ngọc Quân cho biết, cũng như tình hình kinh tế thế giới nói chung, kinh tế châu Âu những năm qua gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu của nhiều nước vào châu lục này đều suy giảm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt vào EU, và một trong những lý do giúp đạt được kết quả tích cực này là việc EVFTA có hiệu lực. Những số liệu trong cán cân thương mại của EU cũng cho thấy đây là một trong những hiệp định thành công và là một trong những giải pháp để giúp nền kinh tế này vượt qua khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian qua.
[Việt Nam-Italy: Nắm vững thị trường để mở rộng hợp tác]
Đối với các sản phẩm nông sản, thuế của rất nhiều mặt hàng đã về mức 0% ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực hoặc sẽ giảm dần về 0% trong vòng từ 3-5 năm. Ông Trần Ngọc Quân khẳng định đây là một trong những ưu thế rất lớn đối với hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường EU.
Liên quan đến thương mại hai chiều giữa Việt Nam-EU và thị trường nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, ông Trần Ngọc Quân cho biết trong 2 năm vừa qua, sau khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hai chiều tăng trưởng và đây là một tín hiệu tích cực. Việt Nam tăng xuất khẩu vào châu Âu cũng đồng thời sẽ tạo điều kiện để châu lục này tăng xuất khẩu vào Việt Nam.
Xuất khẩu từ EU sang Việt Nam trong hai năm 2021-2022 tăng trưởng từ 20% đến 25%. Đây là dấu hiệu rất tích cực vì hàng hóa của châu Âu đều có chất lượng cao, mang tính bền vững, qua đó giúp nâng cao tiêu chuẩn giá trị hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam nhập khẩu gỗ từ EU và xuất khẩu đồ gỗ sang EU.
Gỗ của EU đã được sản xuất và xuất khẩu theo tiêu chuẩn bền vững nên việc sản xuất sản phẩm từ gỗ này sẽ không cần phải giải trình nhiều về nguồn gốc. Đây là quá trình hai bên cùng có lợi.
Bên cạnh những thuận lợi mà EVFTA mang lại cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào châu Âu, ông Trần Ngọc Quân cũng nêu những khó khăn mà mọi mặt hàng, quốc gia đều gặp phải. Cụ thể, EU ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính bền vững, tính xã hội, môi trường, vòng đời của sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm..., hướng đến giá trị tốt hơn cho môi trường và xã hội.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng đây là những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, trong đó có Việt Nam. Việc không đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thì sẽ không thể thâm nhập được thị trường đó.
Tham tán Trần Ngọc Quân cho rằng để vượt qua những thách thức như vậy, cần phải giải quyết các vấn đề từ thị trường nhập khẩu với tiêu chuẩn về các sản phẩm bền vững.
Việt Nam phải chuyển đổi, từ sản xuất số lượng nhiều để đảm bảo mức giá vừa phải chuyển sang tập trung vào những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng, mức độ bền vững để đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn của EU.
Theo ông, nếu kết hợp việc duy trì xuất khẩu hiện tại, song song với việc chuyển dần một số bộ phận sản xuất xuất khẩu theo hướng phát triển bền vững, Việt Nam sẽ có thể tiếp cận thị trường châu Âu một cách bền vững hơn.
Ông Trần Ngọc Quân cho biết thêm trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã liên tục cập nhật và thường xuyên phổ biến cho các doanh nghiệp về các quy định của EU. Ông kết luận một số quy định đã có hiệu lực; một số khác sẽ có hiệu lực trong vòng từ 3-5 năm tới.
Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ rất dễ bỏ lỡ những cơ hội này và 3 năm tới là những cơ hội rất đặc biệt. Đó không phải là những vấn đề cạnh tranh về việc mở cửa thị trường, mà cạnh tranh về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn rất khắt khe. Việt Nam cần thời gian chuẩn bị để đáp ứng tốt những yêu cầu đó./.