3 chính sách trụ cột để chống lại đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản

Nhật Bản đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm 2 mũi cho một nửa dân số vào cuối tháng Tám và nâng tỷ lệ này lên 60% vào cuối tháng Chín, tiệm cận với kết quả tiêm vaccine hiện nay của Mỹ và Anh.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản, Chính phủ nước này xác định sẽ đẩy mạnh 3 chính sách trụ cột là củng cố hệ thống y tế, kiểm soát sự lây lan và tiêm chủng vaccine.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhấn mạnh chủ trương trên tại cuộc họp báo công bố quyết định mở rộng áp dụng tình trạng khẩn cấp thêm 7 địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 10 địa phương, nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Theo Thủ tướng Suga, nguyên nhân chủ yếu của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần này tại Nhật Bản là do biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh. Đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân lên trên hết, chính phủ Nhật Bản xác định ưu tiên là củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, nhất là đảm bảo số giường bệnh chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19.

[Số ca nguy kịch tại Nhật Bản tăng cao kỷ lục ngày thứ 5 liên tiếp]

Số liệu thống kê cũng cho thấy giới trẻ đang có xu hướng chiếm đa số các ca mắc COVID-19 mới, trong đó có nhiều ca nghiêm trọng và để lại di chứng sau khi được chữa khỏi.

Do đó, để giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế, Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi người dân, nhất là giới trẻ cần phải nêu cao ý thức bảo vệ cộng đồng, áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh giải pháp giảm lưu lượng người di chuyển để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cụ thể yêu cầu cắt giảm 70% số người đi làm, 50% số người mua sắm, ăn uống tại các nhà hàng, trung tâm thương mại, khuyến khích làm việc từ xa, đặc biệt nhắm tới đối tượng là giới trẻ.

Chính phủ sẽ phân bổ một gói hỗ trợ mới trị giá 300 tỷ yen để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có các nhà hàng phải dừng bán đồ uống có cồn và rút ngắn thời gian kinh doanh.

Ngoài ra, chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thủ tướng Suga cho biết Chính phủ đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm 2 mũi cho một nửa dân số vào cuối tháng Tám và nâng tỷ lệ này lên 60% vào cuối tháng Chín, tiệm cận với kết quả tiêm vaccine hiện nay của Mỹ và Anh.

Chính phủ đã chủ động đảm bảo nguồn cung vaccine đến đầu tháng 10 đủ để tiêm chủng cho 80% dân số.

Trước đó, Thủ tướng Suga đã công bố quyết định bổ sung thêm 7 địa phương áp dụng tình trạng khẩn cấp là Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka, bắt đầu từ ngày 20/8. Đồng thời bổ sung thêm 10 địa phương áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch gồm Miyagi, Yamanashi, Toyama, Gifu, Mie, Okayama, Hiroshima, Kagawa, Ehime và Kagoshima.

Như vậy, hiện Nhật Bản đang duy trì áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với 13 địa phương và thực hiện các biện pháp trọng điểm phòng dịch tại 16 địa phương với thời hạn trước mắt đến hết ngày 12/9.

Liên quan đến diễn biến tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản, trong ngày 17/8, nước này ghi nhận thêm 19.955 ca mắc COVID-19 mới, 47 ca tử vong, 1.646 ca nghiêm trọng. Trong số đó, thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 4.377 ca mắc COVID-19 mới, số ca nghiêm trọng là 276 ca, mức cao kỷ lục ngày thứ 8 liên tiếp. 7 ca tử vong khi điều trị tại nhà đã được ghi nhận kể từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 5 tại thành phố này.

Tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Tokyo vẫn ở mức cao với 63,7%, trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân nghiêm trọng là 70,4%, lần đầu tiên vượt ngưỡng 70%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục