Theo số liệu thống kê 2019, tại Việt Nam tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử là 2,6%. 100% sản phẩm là hàng buôn lậu không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm có biện pháp quản lý kịp thời, tỷ lệ này sẽ còn tăng lên.
Gắn mác sản phẩm giảm thiểu tác hại thành công cụ cai nghiện thuốc lá điếu
Thử gõ “thuốc lá điện tử” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,58 giây đã cho ra tới 41.200.000 kết quả, trong đó “top” những đường dẫn đầu tiên là các địa điểm bán thuốc lá điện tử với cả hình chụp minh hoạ cửa hàng “hoành tráng,” công khai cả số điện thoại liên lạc.
Facebook cũng là kênh mua bán mặt hàng này khá xôm tụ. Đa phần sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc, với bao bì đa dạng, bắt mắt.
Thuốc lá thế hệ mới vốn là giải pháp giảm thiểu tác hại ứng dụng công nghệ không đốt cháy, không tạo khói, và chỉ dành cho những người đang và sẽ tiếp tục thuốc lá điếu.
Thế nhưng, thông tin sản phẩm và các khuyến nghị của nhà sản xuất hợp pháp đã bị “bóp méo,” gắn mác thành sản phẩm dùng để cai nghiện thuốc lá điếu.
Hình ảnh nghệ sỹ, người nổi tiếng sang trọng, sành điệu cũng được các tay buôn lậu tận dụng để quảng cáo, nhằm thu hút thanh thiếu niên.
Có thể thấy, hệ lụy của nạn buôn lậu thuốc lá thế hệ mới (tên gọi chung của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng hay thuốc lá nung nóng) là cực kỳ phức tạp.
[Thuốc lá thế hệ mới: Cần luật để tiếp cận đúng đối tượng]
Không chỉ tác động đến người dùng, thông tin không chính xác từ giới buôn bán bất hợp pháp còn khiến khoa học chính thống về các sản phẩm mới bị nhìn nhận sai lệch, ảnh hưởng tới quá trình xây dựng chính sách quản lý của các cơ quan chức năng.
Cần hiểu đúng rằng, những ca tử vong do thuốc lá điện tử đều xuất phát từ việc tự “bào chế” dung dịch bất hợp pháp.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, hầu hết các ca EVALI (tổn thương ở phổi do sử dụng tinh dầu lậu thêm vào thuốc lá điện tử hệ thống mở) ở Mỹ năm 2019 là do người dùng pha trộn các dung dịch hóa chất tự chế, không rõ nguồn gốc.
Giới chuyên gia cho rằng, cái nhìn thiếu thiện cảm của cộng đồng về thuốc lá điện tử có thể xuất phát từ sự hiểu nhầm đến từ những trường hợp do nạn mua bán hàng lậu kém chất lượng gây ra. Những ca tổn thương này cũng không liên quan đến sản phẩm thuốc lá làm nóng.
Thế nhưng ít nhiều thuốc lá làm nóng, cũng như các sản phẩm thuốc lá không khói khác như thuốc lá ngậm snus của Thụy Điển cũng bị… vạ lây.
Thông tin nhiễu loạn khiến các nhà quản lý đau đầu, cộng đồng hoang mang. Chính vì thế mà mặc dù từ 2017, Chính phủ đã ban hành chủ trương sớm đưa thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vào quản lý, nhưng đến nay toàn bộ sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn ung dung nằm ngoài pháp luật.
Nhiều hệ luỵ đáng tiếc, một khi thuốc lá thế hệ mới còn nằm ngoài pháp luật
Tại Việt Nam, đã có không ít trường hợp xuất hiện tình trạng viêm phổi nặng khi dùng thuốc lá điện tử lậu. Do đó, việc quản lý càng trì hoãn, các cơ quan ban ngành chức năng liên quan, sẽ càng thêm gánh nặng xử lý vi phạm. Đó là chưa kể, thuế thất thu nhưng phải bội chi cho việc xử lý các hành vi vi phạm.
Mặt khác người hút thuốc lá trưởng thành mất cơ hội tiếp cận với giải pháp giảm thiểu tác hại vốn được nhiều quốc gia tiên tiến và tổ chức y tế công cộng uy tín thế giới thừa nhận.
Điều quan trọng nhất, là nguy cơ thanh thiếu niên bị tiếp cận với thông tin sai lệch về sản phẩm, dẫn đến tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng lên. Nhu cầu của xã hội ngày càng nhiều, trong khi đó lại thiếu biện pháp quản lý riêng phù hợp đã vô hình trung “tiếp tay” cho giới đầu cơ buôn lậu ung dung làm giàu bất chấp sức khoẻ cộng đồng.
Đã đến lúc cần có cái nhìn khách quan, và dựa trên nền tảng khoa học, rằng bản chất của thuốc lá thế hệ mới không xấu. Bằng chứng là nhiều quốc gia tiên tiến thế giới đã chấp nhận thuốc lá thế hệ mới như một giải pháp giảm thiểu tác hại.
Chính phủ và các tổ chức y tế công các nước này đã và đang áp dụng nhiều biện pháp kết hợp để khuyến khích người hút thuốc trưởng thành chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu (sản phẩm thuốc lá gây hại nhất).
Nhật Bản, Mỹ, Anh, Thụy Điển, New Zealand,… là những quốc gia mà chính sách quản lý thuốc lá của họ thể hiện khá rõ chủ trương này.
Đến nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, và Luật Phòng chống thuốc lá hiện hành Việt Nam cũng đã định nghĩa rất rõ “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá,” thì việc quản lý thuốc lá làm nóng như một sản phẩm “thuốc lá khác” là điều hoàn toàn có thể thực hiện sớm bên cạnh việc quy định cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới còn lại.
Có như vậy thì mới ngăn được tình trạng nạn buôn lậu các sản phẩm này tồn tại quá lâu trên thị trường, gây ra nhiều hệ luỵ đáng tiếc cả về xã hội và kinh tế./.