25 năm Việt Nam-Hoa Kỳ: Những người hồi sinh vùng ''đất chết''

Tại Quảng Trị - vùng đất khói lửa chiến tranh - có những con người bao năm qua vẫn đang cần mẫn thực hiện công việc thầm lặng mà vô cùng nguy hiểm: rà phá bom mìn để hồi sinh những "vùng đất chết."
Thành viên đội MAT 19 rà tìm các vật liệu nổ bằng máy chuyên dụng tại vùng cát huyện Hải Lăng, Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Với sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc làm sạch bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị, những vùng đất một thời bị ô nhiễm bom mìn nặng, mà người dân thường gọi là vùng “đất chết” đã được hồi sinh.

Cây Hòa bình cho “quả ngọt”

Hướng Hóa là một trong những huyện bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất ở tỉnh Quảng Trị. Đường 9, Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Làng Vây… là những địa danh nổi tiếng khốc liệt trong chiến tranh, nhất là những năm 1967-1968.

Sau chiến tranh, Hướng Hóa là vùng “đất chết,” như nhà thơ Tố Hữu miêu tả trong bài “Nước non ngàn dặm”

Xe lên Đường 9 cheo leo

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu

Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Hướng Hóa đã làm trên 700 người chết, hơn 200 người bị thương.

Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) của Hoa Kỳ - là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên, tiến hành làm sạch bom mìn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trồng cây xanh cải tạo môi trường ở huyện Hướng Hóa.

Dưới cái nắng gay gắt, cùng với những luồng gió Tây Nam hay còn gọi là gió Lào khô nóng, giật rít từng cơn, các thành viên của Đội rà phá bom mìn lưu động (EOD) thuộc PTVN, vẫn miệt mài rà từng mét đất ở vùng biên giới huyện miền núi Hướng Hóa.

Theo chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên, Đội phó Đội rà phá hiện trường của EOD, việc vô hiệu hóa bom mìn ở khu vực biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở mà còn những bãi mìn dày đặc, với nhiều loại khác nhau, chỉ cần bước chân lên là có thể phát nổ.

"Nguy hiểm là vậy, nhưng chúng tôi đã quen với nghề nên không còn cảm giác run sợ khi gặp bom mìn nữa,” chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên cho biết.

PTVN không chỉ làm sạch bom mìn ở Hướng Hóa mà còn hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế. Từ năm 2016, PTVN phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hóa, hỗ trợ 30 hộ ở bản Cồn, xã Tân Lập và 30 hộ ở thôn Trằm, xã Hướng Tân, trồng hồ tiêu trên những vùng đất đã được làm sạch bom mìn.

Chị Hồ Thị Thai là 1 trong số 30 hộ ở bản Cồn, xã Tân Lập, được PTVN hỗ trợ trồng 50 gốc hồ tiêu. Đến nay, vườn hồ tiêu này là nguồn thu nhập ổn định của gia đình chị Thai.

Chị Hồ Thị Thai chia sẻ, từ lâu gia đình đã có dự định trồng hồ tiêu để thoát nghèo, do loại cây trồng này cho giá trị kinh tế cao, thế nhưng do không có vốn, cũng không biết cách trồng nên gia đình không thực hiện được. Nhờ PTVN hỗ trợ vốn và kỹ thuật, gia đình đã xây dựng được vườn hồ tiêu phát triển tốt, cho thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Sau chiến tranh, khu vực Sân bay Tà Cơn (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) cũng là vùng “đất chết.” Người dân ở đây kể rằng, những năm sau chiến tranh, chỉ cần bổ xuống đất một nhát cuốc, là có thể gặp bom mìn.

Những năm trở lại đây, vùng đất quanh Sân bay Tà Cơn đã được phủ xanh.

Chuyện là từ năm 2012, PTVN đã tổ chức cho cựu chiến binh Hoa Kỳ và cựu chiến binh Việt Nam, cùng chung tay trồng những cây bơ ở đây. Đến nay, vườn bơ này vừa phủ xanh vùng đất vừa cho sản phẩm là những quả bơ thơm ngon.

Vào các năm 2014, 2018, PTVN tiếp tục tổ chức trồng những cây sao xanh ở Sân bay Tà Cơn. Vậy là sự sống đã thực sự nảy sinh ở vùng đất này, nơi mà một thời là chiến trường khốc liệt và bị tàn phá nặng nề bởi bom mìn.

[Việt Nam-Hoa Kỳ cùng chung tay làm sạch bom mìn ở Quảng Trị]

Từ năm 1998 đến nay, PTVN đã đón hơn 50 đoàn tình nguyện viên từ Hoa Kỳ đến Quảng Trị, viếng thăm hữu nghị và trồng cây xanh. Qua đó, PTVN đã trồng được hơn 43.000 cây, phủ xanh những vùng đất vốn bị bỏ hoang hóa, do ô nhiễm bom mìn.

Những cây xanh mà PTVN tổ chức trồng, không đơn thuần là con số cơ học, mà còn mang thông điệp hòa bình, hữu nghị và hướng tới một tương lai tươi sáng.

Ngoài ra, PTVN còn hỗ trợ huyện Hướng Hóa, xây dựng nhiều điểm trường mầm non, ở khu vực biên giới như xã A Xing, thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh.

Những phòng học kiên cố, khang trang, có đầy đủ đồ dùng học tập đã giúp các cháu nhỏ, phần lớn là con của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện học tập, như ươm “mầm xanh” cho tương lai.

Những địa điểm máy rà phát ra tín hiệu bắt được kim loại, các thành viên đội MAT 19 sẽ đặt một tấm bìa màu đỏ để làm dấu. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trong lần làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị gần đây, Giám đốc điều hành của PTVN, bà Claire Yunker cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Quảng Trị trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn.

Ngoài việc tiếp tục triển khai các hoạt động rà phá, xử lý bom mìn và vật liệu nổ, PTVN còn thực hiện trồng cây, viếng thăm hữu nghị, hỗ trợ giáo dục và phát triển kinh tế tại địa phương.

Hành trình gian nan hồi sinh vùng “đất chết”

Khi những ánh nắng đầu tiên của một ngày mới xuất hiện, cũng là lúc 13 cô gái của Đội rà phá bom chùm (MAT 19) thuộc Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ, bắt tay vào công việc rà phá bom mìn, ở vùng cát nội đồng thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng.

MAT 19 được thành lập từ tháng 8/2018, để xử lý những khu vực bị ô nhiễm bom chùm. Điều đặc biệt, MAT 19 là đơn vị nữ duy nhất, trong số 40 đội rà phá bom mìn của MAG, hoạt động ở Quảng Trị.

Chị Trương Thị Thu Vân, 26 tuổi ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị), là thành viên trẻ tuổi nhất ở MAT 19.

Chị Vân mới có gần 2 năm làm công việc rà phá bom mìn nhưng chừng ấy thời gian, cũng đủ để chị Vân rút ra bài học trong nghề, đó là không được sai sót và cũng không có chuyện rút kinh nghiệm, vì chỉ cần một sai sót dù là nhỏ nhất, cũng phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Chị Trương Thị Thu Vân chia sẻ, bom chùm rất nguy hiểm, chỉ cần chạm vào hoặc di chuyển sẽ phát nổ ngay. Do đó, bom chùm được đánh dấu vị trí ngay khi phát hiện và tiến hành hủy nổ tại chỗ vào cuối giờ làm việc.

Đối với những quả bom có kích thước lớn, đơn vị vận chuyển về bãi nổ tập trung để hủy nổ.

Chị Trần Thị Hạnh, 44 tuổi, ở thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cũng là thành viên của MAT 19 và đã có 12 năm làm việc cho MAG.

Chị Trần Thị Hạnh tâm sự, mỗi khi nghe thấy tiếng hủy nổ bom mìn thành công, trong lòng cảm thấy bình yên hơn bởi sau đó cuộc sống của cư dân xung quanh được đảm bảo an toàn.

Nhìn người dân trồng những vườn ngô, luống khoai phủ xanh vùng đất đã được làm sạch bom mìn, chúng tôi thực sự thấy hạnh phúc.

Dự án RENEW-NPA, là chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (RENEW) và Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) thực hiện, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Phát triển Vương quốc Anh tài trợ, cũng đang thực hiện rà phá bom mìn tại hai xã Hải An và Hải Quế, huyện Hải Lăng.

Trong đó, tại xã Hải An, Dự án RENEW-NPA đang ứng dụng công nghệ dò tìm bom mìn, bằng cách sử dụng máy Scorpion.

Máy Scorpion là thiết bị hiện đại được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ. Hệ thống này có thể dò tìm bom chùm và các vật liệu nổ khác, bằng một cảm biến điện từ và từ kế; đồng thời còn có khả năng lập bản đồ, cung cấp độ chính xác cao vị trí các mục tiêu nhờ hệ thống định vị toàn cầu vi phân.

Hai xã Hải An, Hải Quế, huyện Hải Lăng, nằm ở vùng trung tâm của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào khu kinh tế này.

Nhiều dự án lớn đã được triển khai tại đây như Cảng biển Mỹ Thủy, có tổng vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất Inox và Thép hợp kim, vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Sự đóng góp của các tổ chức như MAG, RENEW-NPA… trong việc tạo quỹ đất sạch bom mìn, để triển khai các dự án là không hề nhỏ.

Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài nói chung, của Hòa Kỳ nói riêng, mà tỉnh Quảng Trị đã giải phóng được trên 9.000ha đất khỏi ô nhiễm bom mìn; phá hủy 560.000 bom mìn và vật liệu nổ; 4.800 nạn nhân bom mìn được hỗ trợ.

Điều đáng trân trọng là Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, tiếp tục cam kết hỗ trợ Quảng Trị làm sạch bom mìn.

Vào cuối tháng 2/2020, trong chuyến thăm lần đầu tiên đến Quảng Trị, bà Brown Karen Veronica, Chủ tịch Hội đồng quản trị MAG, đã chia sẻ về mục tiêu, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam “an toàn” với bom mìn vào năm 2025.

Bà Brown Karen Veronica cam kết, MAG sẽ tích cực vận động các nguồn viện trợ quốc tế, để hỗ trợ tỉnh Quảng Trị đạt được mục tiêu này.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, hiện nay tỉnh Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung rất cần có những đóng góp về nguồn lực, kinh nghiệm, phương pháp và sự hợp tác chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế, để rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục