2/3 số chim cánh cụt trên toàn cầu đối mặt nguy cơ tuyệt chủng

Chim cánh cụt - "thước đo tình trạng lành mạnh của đại dương" - đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do các vùng biển ngày càng nóng lên và tình trạng đánh bắt cá quá mức.
Một con chim cánh cụt Adélie đứng trên tảng băng ở Nam Cực. (Nguồn: Reuters)

Các đại dương đang bị tấn công, nhiều ngành ngư nghiệp đang bên bờ sụp đổ và 90% loại cá lớn bị khai thác quá mức.

Chim cánh cụt, được ví là "thước đo tình trạng lành mạnh của đại dương," đang đứng trước nhiều mối đe dọa khi khí thải carbon trên toàn cầu ngày càng tăng khiến nước các vùng biển ngày càng nóng hơn và tăng độ axit, ảnh hưởng tới các vỉa san hô, nơi sinh sống của 1/3 sinh vật biển.

Chim cánh cụt là loài chim sống dưới nước, chúng không bay mà bơi xuyên đại dương. Loài chim này đặc biệt thích ứng và dễ bị ảnh hưởng của mọi tác động dưới nước.

Chúng phải chịu tình trạng ô nhiễm, cũng như hậu quả của việc đánh bắt cá quá mức khiến nguồn thức ăn bị hạn chế. Đặc biệt, tình trạng biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn đối với loài chim này.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, 2/3 số chim cánh cụt trên toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có 8 loài sống ở Nam Cực. Do vậy, giới chuyên gia, cùng các tổ chức đang tìm giải pháp nhằm bảo vệ loài động vật hiếm này.

Theo kế hoạch, các chuyên gia sẽ tạo ra hai khu vực bảo tồn sinh vật biển lớn rộng gần 3 triệu km2 xung quanh lục địa đóng băng này, trong đó, 1/3 diện tích sẽ nghiêm cấm đánh bắt cá. Điều này sẽ giúp di dời hoạt động đánh bắt cá và đánh bắt loài nhuyễn thể - phần chính trong thức ăn của chim cánh cụt - ra xa khu vực chim cánh cụt tìm kiếm thức ăn.

Nếu kế hoạch này được 24 quốc gia thành viên và Liên minh châu Âu (EU) tán thành, những khu bảo tồn trên sẽ giúp bảo vệ loài chim cánh cụt, cũng như các sinh vật biển khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục