Khoảng 224 triệu người trên toàn châu Phi đang bị suy dinh dưỡng do biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột trong khu vực đã khiến gia tăng tình hình mất an ninh lương thực tại lục địa này.
Đây là cảnh báo của Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Bukar Tijani đưa ra tại lễ khai mạc một hội nghị về châu Phi do FAO tổ chức tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 19/2.
Theo ông Tijani, tỷ lệ suy dinh dưỡng tại châu Phi đã tăng từ 21% lên tới gần 23% từ năm 2015-2016, tương đương mức tăng từ 200 triệu người lên 224 triệu người. Đây là điều đáng lo ngại bởi dân số ở lục địa này ước tính lên tới 1,7 tỷ người vào năm 2030.
[FAO quan ngại về vấn đề an ninh lương thực tại khu vực châu Phi]
Ông Tijani cho rằng số người suy dinh dưỡng gia tăng và tình hình mất an ninh lương thực có liên quan tới biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mùa màng thất bát. Ngoài ra, các cuộc xung đột ở các nước như Somalia, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi cũng "góp phần" dẫn tới tình hình này.
Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo rằng mất an ninh lương thực là nguyên nhân chính đẩy ngày càng nhiều người tại nhiều khu vực phải rời bỏ nhà cửa. Khoảng 1 triệu người Nam Sudan đã vượt biên giới để trở thành dân tị nạn bởi họ phải chạy trốn tình trạng bạo lực tại nước mình.
Tuy nhiên, ông Tijani cũng đưa ra thông báo tích cực khi nói rằng kinh tế châu Phi đang có sự cải thiện và thị trường lương thực và nông nghiệp ước tính lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030, tạo cơ hội cho các khoản đầu tư mới vào châu lục này.
Theo kế hoạch, hội nghị nêu trên sẽ kéo dài năm ngày để thảo luận về những nỗ lực xóa đói giảm nghèo và tình hình mất an ninh lương thực ở châu Phi./.