Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, học giả Kavi Chongkittavorn, chuyên gia Thái Lan kỳ cựu về các vấn đề khu vực, nhận định 2025 sẽ là năm mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vạch ra lộ trình cho cộng đồng 770 triệu dân của khối trong 2 thập kỷ tới và một điều quan trọng là cách thức để truyền tải thông điệp này đến thế hệ dân số trẻ.
Trong bài phân tích trên báo Bangkok Post, chuyên gia Chongkittavorn nhấn mạnh năm nay sẽ là năm đầy ắp sự kiện đối với ASEAN, trong đó có việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và vạch ra lộ trình cho 770 triệu dân trong 2 thập kỷ tới.
Tầm nhìn này liệt kê 17 vấn đề định hình tương lai của ASEAN, trong đó có số hóa, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và năng lượng, các sáng kiến kinh tế xanh, kết nối…
Nhìn chung, tầm nhìn này nhấn mạnh việc duy trì năng lực quản trị tốt, nhân quyền và pháp quyền trong khi đặt công dân ASEAN vào trung tâm.
Hơn nữa, tầm nhìn chung này nỗ lực tạo ra một thị trường thịnh vượng duy nhất được thúc đẩy dựa trên tính bền vững, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, ASEAN đặt mục tiêu trở thành một khối ổn định trong bối cảnh các thách thức về địa chính trị và kinh tế xã hội.
Do đó, cần tăng cường xây dựng năng lực của Ban Thư ký ASEAN để nâng cao hiệu quả ra quyết định và huy động nguồn lực.
Liên quan cách thức để truyền tải Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đến công chúng của các quốc gia thành viên, chuyên gia Chongkittavorn cho rằng với những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh địa chính trị và sự phổ biến của mạng xã hội, một chiến lược truyền thông được thiết kế tốt có thể giúp ích cho kế hoạch tổng thể mới.
Nếu không nâng cao nhận thức của các thế hệ M và Z cũng như mạng lưới những người có sức ảnh hưởng và các nhà sáng tạo nội dung về những lợi ích, thì tầm nhìn chung có thể gặp khó ngay khi ra mắt.
Ước tính hơn 420 triệu thanh niên, chiếm 60% dân số ASEAN, sắp tới sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức tiềm ẩn đan xen. Ứng phó với cả thời cơ lẫn thách thức hoặc bỏ lỡ cả hai đều có sự rủi ro riêng. Sự hiểu biết của họ về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 là chìa khóa để tạo ra bản sắc và cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn, từ đó sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn.
Cũng theo chuyên gia Chongkittavorn, do sự đa dạng giữa các thành viên về bối cảnh lịch sử, tôn giáo, văn hóa và truyền thống, cần đảm bảo sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng đối với tầm nhìn trước và sau khi ra mắt. Ưu tiên hàng đầu là sự tham gia của truyền thông trực tuyến và truyền thông truyền thống.
Nước chủ tịch Malaysia cũng cần phát triển nhiều kế hoạch truyền thông chiến lược khác nhau để tiếp cận phương tiện truyền thông của nhiều bên liên quan. Những người có ảnh hưởng hoặc nhà sáng tạo nội dung đều có thể tác động đến những nỗ lực lâu dài của ASEAN thông qua các đoạn clip nghe nhìn ngắn trên nền tảng của họ.
Chủ tịch ASEAN và cộng đồng truyền thông phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Khi thế hệ trẻ dẫn đầu các xu hướng mới có tầm nhìn xa trông rộng, các phân khúc công chúng rộng lớn hơn - bao gồm cả khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội khác - có thể sẽ làm theo. Khi đó, các dự án tầm nhìn mới rất cần thiết cho ASEAN sẽ xuất hiện.
Thanh niên ASEAN có thể nuôi dưỡng và hỗ trợ các dự án mới này. Malaysia - nước Chủ tịch ASEAN 2025 phải làm mọi cách có thể để thu hút sự chú ý của thanh niên để sau đó có thể chuyển sự chú ý này thành ý định và hành động.
Chuyên gia Chongkittavorn cũng cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh trên thế giới gia tăng và căng thẳng leo thang ở Trung Đông cùng một số vấn đề nóng khác, Cộng đồng ASEAN cần có sự lãnh đạo và động lực mạnh mẽ hơn để ngăn chặn xu hướng sử dụng vũ lực ngày càng tăng.
Nhiệm vụ này là cần thiết để bảo vệ lợi ích của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Bên cạnh đó, cộng đồng ASEAN mới nổi vẫn cần củng cố ở mọi cấp độ tham gia để các thế hệ tương lai có thể đánh giá cao các giá trị của một ASEAN hội nhập hơn.
Sáng kiến trước đó, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, gần như đã hoàn thành sau một thập kỷ nỗ lực xây dựng cộng đồng. Vẫn còn một số mảnh ghép trong các trụ cột kinh tế và văn hóa-xã hội cần hoàn thiện, một số dự án vẫn chưa đạt tiến độ đã đề ra.
Đối với trụ cột chính trị-an ninh, chỉ có văn hóa quản trị là cần có biện pháp bổ sung. Các yếu tố này sẽ tiếp tục xuất hiện trong các kế hoạch chiến lược mới. Việc giám sát và đánh giá các kế hoạch hành động vẫn là điều cần thiết.
Vào thời điểm quan trọng này, ASEAN có thể tự hào và hy vọng rằng trong 20 năm tới, khối sẽ sẵn sàng đối mặt với các xu hướng lớn mới.
Chủ đề “Bao trùm và Bền vững mà Malaysia lựa chọn trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm nay cũng rất phù hợp, ý nghĩa, theo đó xây dựng ASEAN thành một cộng đồng gắn kết hơn, kiên cường hơn và lấy con người làm trung tâm.
Hiện tại, các quan chức liên quan vẫn đang tiếp tục xây dựng các kế hoạch chiến lược cho tất cả các trụ cột sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại hội nghị cấp cao vào tháng Năm tới./.
Malaysia nêu cam kết về "Bao trùm và Bền vững" cho năm Chủ tịch ASEAN 2025
2025 sẽ là năm tạo sức sống mới cho Cộng đồng ASEAN khi các nhà lãnh đạo chính thức thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045.