Thị trường dầu thế giới đã trải qua một năm đầy biến động, dù cho mặt hàng này khép lại năm 2020 ở mức giá khoảng 51 USD/thùng, gần mức trung bình của giai đoạn năm 2015-2017.
Các nhà lãnh đạo và các quan chức phục trách lĩnh vực năng lượng trên thế giới không cảm thấy “an tâm” vì những bất ổn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.
Hồi tháng 4/2020, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm sâu xuống mức âm và giá dầu Brent Biển Bắc giảm xuống dưới 20 USD/thùng, do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến giá giữa các “đại gia” dầu mỏ Saudi Arabia và Nga.
Mặc dù sự sụt giảm ngắn ngủi của giá dầu Mỹ, xuống dưới mức âm 40 USD/thùng, không có khả năng lặp lại vào năm 2021, song việc chính phủ các nước triển khai các biện pháp phong tỏa và triển khai tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 theo từng giai đoạn vẫn sẽ làm hạn chế nhu cầu trong năm tới, hoặc thậm chí trong thời gian dài hơn.
[2020 - Năm đầy biến động đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu]
Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới có thể tiếp tục giảm hậu đại dịch COVID-19 khi các nước tìm cách hạn chế lượng khí thải nhằm làm chậm sự biến đổi khí hậu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu và nhiên liệu lỏng thế giới đã giảm từ mức 100,61 triệu thùng trong năm 2019 xuống 94,25 triệu thùng trong năm 2020 và sản lượng dự kiến chỉ phục hồi lên 97,42 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
EIA cho biết thêm do số ca mắc COVID-19 gia tăng, chính phủ các nước đã áp đặt biện pháp phong tỏa, yêu cầu người dân ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường.
Tiêu thụ dầu thô và các loại nhiên liệu lỏng của thế giới trong năm 2020 đã giảm xuống 92,4 triệu thùng/ngày, giảm 9% so với mức 101,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Điều kiện môi trường thay đổi đã đặt ra thách thức cho các nhà máy lọc dầu.
Trước những thông tin xấu về nhu cầu giảm sút, giá dầu suy yếu, thậm chí nhiều công ty phá sản, có một “điểm sáng” là đại dịch COVID-19 không làm chậm trễ sự phát triển của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thay vào đó các chính phủ và các ngành đã nỗ lực nhiều hơn để đạt được các mục tiêu của mình thông qua các biện pháp chính sách khuyến khích, đầu tư và hợp tác.
Hồi tháng 5/2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố báo cáo chuyển đổi năng lượng, trong đó cảnh báo sự chuyển đổi của hệ thống năng lượng thế giới có thể bị chệch hướng khi dịch COVID-19 tiếp tục gây thiệt hại cho xã hội và các hoạt động kinh tế.
Trong báo cáo có tựa đề “Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng (ETI) 2020: Từ khủng hoảng đến phục hồi,” diễn đàn cho hay quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu carbon sang các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường trên toàn cầu đang diễn ra với tốc độ chậm nhưng ổn định.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và tăng trưởng của quá trình chuyển đổi năng lượng đang bị thách thức bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, dường như cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và hoạt động kinh tế chậm lại trong năm 2020 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng thay vì là cản trở quá trình này.
Theo báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi tháng 11/2020, việc phát triển và triển khai năng lượng tái tạo vẫn diễn ra “sôi nổi” trong đại dịch COVID-19 trong bối cảnh các nhà phát triển ở hầu hết các quốc gia không ngừng khai thác.
Chẳng hạn như công suất thủy điện trên toàn cầu đã tăng trong nửa đầu năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19, chủ yếu là do các dự án quy mô lớn ở Trung Quốc được đưa vào vận hành.
Các chuyên gia cũng cho rằng xu hướng chuyển đổi năng lượng không diễn ra một cách tự nhiên mà cần phải có sự cam kết của chính phủ và các khu vực công.
Theo phân tích của IEA, lượng khí thải toàn cầu sẽ cần được giảm 40% vào năm 2030 để đạt mức 0 vào năm 2050, điều này đòi hỏi đầu tư quy mô lớn vào năng lượng tái tạo và đổi mới công nghệ mới.
Các nhà phân tích cũng tin rằng các chính phủ nên tham gia vào việc hoạch định chính sách, hướng dẫn và bảo vệ các ngành công nghiệp hướng tới năng lượng sạch./.