2015: Tháo gỡ điểm nghẽn ngân hàng bằng tổng hòa giải pháp kinh tế

Ông Ngân cho rằng, với những giải pháp tái cơ cấu trong thời gian tới đây, ngành ngân hàng đang đi đúng kịch bản và sẽ đạt theo lộ trình đặt ra.
2015: Tháo gỡ điểm nghẽn ngân hàng bằng tổng hòa giải pháp kinh tế ảnh 1Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

“Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tăng cường thanh tra giám sát đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là lưu ý đến việc đề xuất tăng tiềm lực tài chính, quyền năng cho VAMC,” đó là chia sẻ của tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia với phóng viên VietnamPlus nhân dịp đầu năm mới.

- Trong năm qua hệ thống ngân hàng được đánh giá là đã lấy lại được niềm tin cho thị trường, vậy ông đánh giá như thế nào về tốc độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua?

Ông Trần Hoàng Ngân: Qua 3 năm thực hiện quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Đề án 254 tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 cho đến nay đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

Từ chỗ hệ thống ngân hàng tồn tại nhiều rủi ro, một số ngân hàng nguy cơ mất khả năng thanh khoản, đổ vỡ rất cao thì đến cuối năm 2014 chúng ta thấy tính an toàn của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt. Chỉ số tín nhiệm được đánh giá rất tốt góp phần quan trọng trong việc tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm Việt Nam. Các ngân hàng thương mại yếu kém đã và đang được tiếp tục xử lý theo nhiều hướng nhất là phương án hợp nhất, sáp nhập khá hiệu quả.

Đối với, các ngân hàng thương mại Nhà nước, 4/5 ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu. Theo đó, ngân hàng thương mại Nhà nước đã cơ cấu lại về mặt tổ chức, nhân sự, nâng cao năng lực quản trị... Tôi cho rằng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả rất khả quan.


- Vậy còn việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, một số chuyên gia thì cho rằng vấn đề nợ xấu đã giải quyết được một phần, vậy còn quan điểm của ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Song song, quá trình tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu. Nếu chúng ta quay trở lại thời điểm những năm 2012, lúc đó nợ xấu rất cao ước lên tới 15-17% tổng nợ xấu. Và hầu hết nợ xấu đều có liên quan đến bất động sản. Thời điểm đó, thị trường bất động sản gần như đóng băng. Lúc đó, để tìm ra một phương án xử lý nợ xấu khiến cơ quan quản lý phải đau đầu. Cuối cùng, chúng ta lựa chọn công cụ thời gian để xử lý nợ xấu và sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là giải pháp phù hợp nhất thời điểm đó.

Với mục tiêu quản lý tài sản nợ xấu đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại qua công cụ trái phiếu đặc biệt của VAMC, cùng với nỗ lực của các tổ chức tín dụng, thời gian qua quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả rất đáng kể.

Cụ thể, trong vòng 3 năm qua, hệ thống ngân hàng xử lý với số tiền gần 300.000 tỷ đồng nợ xấu; VAMC mua hơn 135.000 tỷ đồng nợ xấu vừa hỗ trợ thanh khoản, vừa kéo dài thời gian xử lý nợ xấu của để chờ thị trường bất động sản phục hồi giúp ngân hàng có cơ hội thuận lợi giải quyết dứt điểm nợ xấu. Kết hợp giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có nợ quá hạn được chuyển nhóm nợ tiếp tục được vay vốn có thêm cơ hội khắc phục khó khăn.

Sự phối hợp nhịp nhàng, cùng với giải pháp xử lý đồng bộ vừa giúp hệ thống ngân hàng giảm nợ xấu vừa tăng dư nợ tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cho đến nay nợ xấu đang được xử lý theo đúng hướng. Đến cuối năm 2015, mục tiêu kéo nợ xấu về dưới 3% là khả thi.

2015: Tháo gỡ điểm nghẽn ngân hàng bằng tổng hòa giải pháp kinh tế ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn rào cản. Ví dụ, một số ngân hàng thương mại trong diện tái cơ cấu vẫn có những khó khăn, cần tiếp tục giám sát hỗ trợ, nhất là nợ được giữ nguyên nhóm nợ vẫn ở mức cao. Nếu Thông tư 02 áp dụng hoàn toàn vào thời điểm tháng 3/2015 thì nợ xấu sẽ tăng cao. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo còn phức tạp, gây bất lợi cho nền kinh tế. Đây là những vấn đề đòi hỏi hệ thống ngân hàng thời gian tới tiếp tục theo dõi tập trung nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm.

- Ông có kiến giải gì để gỡ những điểm nghẽn trên cho hệ thống ngân hàng đạt mục tiêu đề ra trong năm 2015?

Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi nghĩ rằng, đó phải là tổng hòa của các giải pháp từ cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống ngân hàng. Theo đó, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố quan trọng tạo động lực doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải diễn ra đồng bộ. Một nền kinh tế cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp hệ thống ngân hàng phát triển ổn định bền vững hơn.

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định lãi suất, tỷ giá gia tăng lòng tin của người dân vào đồng VND. Ngoài ra, phải tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tài sản của các ngân hàng. Thủ tục pháp lý liên quan đến giải quyết tài sản thế chấp đến thời điểm này vẫn còn ách tắc, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành có liên quan để xử lý dứt điểm vấn đề nan giải này nhất là khi thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi sẽ giúp các ngân hàng xử lý một khối lượng tài sản xấu rất lớn.

Và sau cùng, về phía Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường thanh tra giám sát đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là lưu ý đến việc đề xuất tăng tiềm lực tài chính, quyền năng cho VAMC.

Cụ thể, tôi đề xuất giảm tỷ lệ trích lập dự phòng đối với khoản nợ xấu bán cho VAMC từ 20% xuống 10% trong thời gian sớm nhất mới khuyến khích các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC để xử lý. Đi liền với nó là tạo lập thị trường mua bán nợ xấu... Với những giải pháp tái cơ cấu trong thời gian tới đây, tôi cho rằng, ngành ngân hàng đang đi đúng kịch bản và sẽ đạt theo lộ trình đặt ra.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục