2015 là thời điểm vàng để triển khai công nghệ 4G ở Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia, với hạ tầng công nghệ, chính sách thuận lợi và đặc biệt là tình hình thiết bị đầu cuối rẻ, Việt Nam có thể triển khai thành công công nghệ 4G trong năm 2015.
Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép 4G. (Nguồn: Vietnam+)

Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong diễn ra sáng 26/3 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, với hạ tầng 3G phát triển tốt, tỷ lệ người dùng cao, thiết bị đầu cuối rẻ…, Việt Nam đang đứng trước “thời điểm vàng” để triển khai công nghệ 4G.

Xu thế tất yếu

Kể từ khi VinaPhone “nổ phát súng” đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam vào tháng 10/2009, tới nay, mạng lưới 3G đã phát triển mạnh về độ phủ sóng, thị trường và khách hàng.

Số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp cho thấy, tới tháng 1/2015, lượng thuê bao 3G đã đạt con số 29 triệu, chiếm 1/3 dân số. Chất lượng dịch vụ 3G cũng gia tăng đáng kể, giá cước có nhiều thay đổi để phù hợp với người sử dụng.

Thực tế cho thấy, nền tảng 3G cho phép người sử dụng đọc tin tức, lướt web, xem phim, tải nhạc, chơi game, tải game và các phần mềm nhưng chất lượng dịch vụ nhiều khi chưa thỏa mãn nhu cầu của người dùng do tốc độ đường truyền hạn chế, nhất là đối với những dịch vụ xem phim trực tuyến, đào tạo trực tuyến, khám bệnh trực tuyến…

Trong khi đó, 4G cho phép người sử dụng có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ cao có thể gấp hơn 20 lần tốc độ băng thông cao nhất của 3G. Ở tốc độ truyền cao nhất, tính trung bình, người dùng có thể tải một bộ phim chỉ trong 5-6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây.

Với những ưu việt đem lại, trên thế giới, từ năm 2012, 4G đã phát triển để dần thay thế công nghệ 3G. Riêng khu vực Đông Nam Á, 4G đã được phát triển thành công tại Singapore, Malaysia, Indonesia…

Nghiên cứu của Ericsson Mobility Report cho thấy, trong năm 2014, 4G tăng trưởng mạnh mẽ và hiện đã có 500 triệu thuê bao. Đến năm 2020, trên thế giới sẽ có 3,5 tỷ thuê bao 4G, tương đương 70% dân số toàn cầu tại thời điểm đó. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2015-2020, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là nơi đứng đầu thế giới về tăng trưởng 4G (với khoảng 1,8 tỷ thuê bao, chiếm 60% sự tăng trưởng về số thuê bao trên toàn cầu)…

Đứng trước xu thế phát triển của 4G trên thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xác định năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp để triển khai 4G tại Việt Nam và cấp phép cho mạng này hoạt động vào năm 2016.

Xu hướng phát triển chủ đạo

Nhận định mạng 4G sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, cho biết Bộ đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm 4G từ năm 2010. 

4G sẽ thúc đẩy các dịch vụ xem phim trực tuyến, đào tạo từ xa, y tế... phát triển mạnh mẽ. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, Việt Nam sẽ cấp phép 4G với mục tiêu sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung, chia sẻ mạng... tạo một môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của đất nước.

Nhận định về lộ trình triển khai 4G ở Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho hay, đây là một lộ trình hợp lý và 2015 là thời điểm vàng để triển khai 4G.

Theo ông Nam, để triển khai 4G thành công thì hệ sinh thái di động phải sẵn sàng. Đó là việc nhà nước sẵn sàng cấp băng tần cho 4G, thiết bị đầu cuối giá hợp lý, nội dung trên nền 4G phát triển…

Với việc mạng 3G đang rộng khắp, ông Nam nói việc tiến lên 4G cũng như xây đường cao tốc để phục vụ yêu cầu băng rộng lớn nên khi triển khai 4G thì 3G vẫn sẽ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân.

Hơn nữa, các sản phẩm smartphone hỗ trợ 4G đang giảm giá mạnh nên người dùng có nhiều cơ hội để sử dụng, chính sách cũng đang thúc đẩy để phát triển... Do đó, đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để nhà mạng triển khai công nghệ 4G.

Nói về khó khăn khi triển khai 4G, ông Nam cho rằng đó là bài toán kinh doanh của nhà mạng. Bởi khi đó, nhà mạng cần phải xây dựng chính sách cho phù hợp.

Trên thế giới, có nhà mạng triển khai 4G đồng loạt, nhưng cũng có nhà mạng triển khai từng khu vực trước khi mở rộng. Về phần mình, ngoài việc hỗ trợ công nghệ, Qualcomm còn có bộ phận giúp nhà mạng đưa ra các phương thức, mô hình kinh doanh, phương án triển khai 4G phù hợp dựa trên số liệu đầu vào mà nhà mạng cung cấp.

Ông Jay Srage, Chủ tịch Qualcomm khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi cho hay, Việt Nam đã có một quyết định đúng đắn khi triển khai 3G và đến nay mạng 3G vẫn đang phát triển ổn định. Và, tôi tin tưởng việc triển khai 4G cũng sẽ đem lại kết quả thuận lợi…/.

Hội thảo Quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong lần thứ nhất năm 2015 với chủ đề "Quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G tại tiểu vùng sông Mekong" do Hiệp hội Internet Việt Nam, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG ASEAN tổ chức.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục