Trong năm 2013, thế giới đã chứng kiến sự ra đi của ít nhất 70 nhà báo khi hoạt động tại các điểm nóng. Cuộc nội chiến tại Syria, các vụ bạo lực tại Iraq tiếp tục biến hai quốc gia này trở thành "tử địa" đối với các phóng viên khi tác nghiệp.
Theo báo cáo công bố ngày 30/12 của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), 29 nhà báo đã thiệt mạng khi đưa tin về tình hình chiến sự thảm khốc tại Syria. Trong khi đó, khoảng 60 nhà báo đã bị bắt cóc tại đây và một nửa trong số này hiện vẫn mất tích.
Iraq cũng là một trong những điểm nóng không thể bỏ qua khi 10 phóng viên đã "tử nghiệp." Những diễn biến căng thẳng tại Ai Cập trong năm qua với việc quân đội phế truất Tổng thống hợp hiến Mohamed Morsi, kéo theo làn sóng biểu tình phản đối lan rộng trong nước biến thành các cuộc bạo loạn đường phố cũng thu hút sự quan tâm của báo giới quốc tế. Đã có ít nhất 6 nhà báo thiệt mạng khi đưa tin về cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo CPJ, cùng với các trường hợp phóng viên thiệt mạng khi tác nghiệp tại các điểm nóng, thống kê năm 2013 cũng ghi nhận một số trường hợp nhà báo bị sát hại do đưa tin liên quan đến những vấn đến khác như tham nhũng, buôn bán ma túy... tại một số nước như Colombia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan. Hiện CPJ đang tiếp tục điều tra 25 trường hợp phóng viên tử vong trong năm qua.
Năm có số nhà báo thiệt mạng nhiều nhất được ghi nhận là năm 2009, với 74 trường hợp, trong đó gần một nửa bị giết hại trong các cuộc tàn sát ở tỉnh Maquindanao ở Philippines.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, Liên hợp quốc đã phê chuẩn Kế hoạch Hành động về đảm bảo an toàn của các nhà báo và vấn đề tội phạm chống nhà báo mà không bị trừng phạt.
Đây được coi là chiến lược chung của toàn hệ thống Liên hợp quốc vì an toàn của các nhà báo trên toàn cầu, nhằm tạo ra môi trường an toàn và tự do cho hoạt động của các nhà báo và những người làm công tác thông tin đại chúng cả trong tình huống xung đột và không xung đột vì mục tiêu tăng cường hoà bình, dân chủ và phát triển trên toàn cầu.
Các biện pháp trong Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc về an toàn của các nhà báo bao gồm thiết lập cơ chế phối hợp liên cơ quan để xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn của nhà báo; tham gia cùng các tổ chức liên chính phủ cấp khu vực và quốc tế khác khuyến khích hoà nhập các chương trình phát triển thông tin đại chúng tập trung vào an toàn của nhà báo với các chiến lược tương ứng của các tổ chức này./.