Năm 2013 được coi là năm tồi tệ đối với hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ tấn công nhằm vào các nhân viên cứu trợ tại các điểm nóng, cướp đi sinh mạng của 155 người. Đáng lo ngại là tình trạng nguy hiểm này vẫn đang tiếp diễn trong năm nay.
Theo số liệu thống kê công bố ngày 19/8 của nhóm cố vấn "Tác động Nhân đạo," trong năm ngoái, trên toàn thế giới có tổng cộng 155 nhân viên cứu trợ bị giết hại, 171 người bị thương nghiêm trọng và 134 người bị bắt cóc. Con số này tăng 66% so với năm 2012.
Năm quốc gia được coi là "tử địa" đối với các nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế là Afghanistan, Syria, Nam Sudan, Pakistan và Sudan, chiếm tới 75% các vụ bạo lực nhằm vào lực lượng này.
Afghanistan là chiến trường khốc liệt nhất khi tại đây có 81 nhân viên cứu trợ quốc tế thiệt mạng. Đáng báo động hơn nữa, số liệu thống kê sơ bộ cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, trên toàn thế giới đã có 79 người bị sát hại khi đang thực hiện công tác cứu trợ tại các điểm nóng, cao hơn so với tổng số của cả năm 2012. Thực tế này đang gióng lên hồi chuông báo động đối với các sứ mệnh nhân đạo tại các khu vực xung đột.
Theo báo cáo trên, xung đột leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới như Syria và Nam Sudan là nguyên nhân chính đằng sau các nguy cơ đe dọa các nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế. Riêng trong tháng Tám này, các tay súng tại Nam Sudan đã sát hại 6 nhân viên, trong khi 11 nhân viên Liên hợp quốc bị giết trong các vụ tấn công vào các khu sơ tán của cơ quan này tại Dải Gaza.
Thực tế trên đặt ra những áp lực không nhỏ đối với các tổ chức phi chính phủ trong việc triển khai hoạt động nhân đạo tại các vùng chiến sự. Theo kế hoạch, nhân Ngày Nhân đạo Thế giới (19/8), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ có buổi thảo luận về các mối đe dọa an ninh gia tăng đối với người làm công tác cứu trợ nhân đạo.
Cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm Ngày Nhân đạo Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/8 đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt các vụ tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ trong các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới.
Trong tuyên bố của mình, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan nhấn mạnh bác sỹ, y tá và các nhân viên cứu trợ nói chung cần phải được thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình trong môi trường không bạo lực và an toàn.
Trong khi đó, Richard Brennan, quan chức phụ trách bộ phận Quản lý rủi ro khẩn cấp và phản ứng nhân đạo của WHO, nêu rõ các vụ tấn công vào nhân viên và cơ sở y tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội tiếp cận chăm sóc y tế của bệnh nhân cũng như cản trở các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.
WHO cho biết cơ quan này hiện đang làm việc với nhiều đối tác để lên kế hoạch ngăn chặn và ứng phó với tình trạng trên./.