Theo tổ chức nghiên cứu CCP Research Foundation (Anh), trong 5 năm tính đến năm 2016, 20 ngân hàng lớn nhất thế giới đã phải chi tổng cộng 264 tỷ bảng cho các khoản phạt, hóa đơn pháp lý và chi phí bồi thường khách hàng, tăng đáng kể so với con số 252 tỷ bảng trong 5 năm trước đó.
Số liệu này làm gia tăng mối quan ngại về nỗ lực của các công ty tài chính lớn trên toàn cầu trong việc khôi phục lòng tin vào lĩnh vực này 10 năm sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát.
Ba ngân hàng hàng đầu của Mỹ gồm Bank of America, JP Morgan và Morgan Stanley và hai ngân hàng lớn của Vương quốc Anh là Royal Bank of Scotland và Lloyds Banking Group là 5 ngân hàng phải chi nhiều tiền cho các khoản phạt, phí nhất.
Số tiền 264 tỷ bảng nói trên bao gồm cả số tiền 20 ngân hàng để dành cho khoản phạt, phí trong tương lai.
Chiếm phần lớn nhất trong khoản chi phí này là khoản tiền 66 tỷ bảng mà ngân hàng RBS phải dành ra để trang trải các khoản phạt và chi phí pháp lý cho khoản phạt sắp tới của Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến việc RBS bán trái phiếu chất lượng thấp vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007.
Trong khi đó, ngân hàng Lloyds sẽ phải dành 27 tỷ bảng để giải quyết vụ bê bối liên quan đến việc bán các hợp đồng bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI) mà Lloyds được cho là đã tư vấn sai cho các khách hàng./.