20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Sau 20 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hải Dương đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện.
20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 24/12, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2017) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Trong Diễn văn kỷ niệm, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Hải Dương.

Ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 9 đã thông qua Nghị quyết về việc tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, trong đó có Hải Hưng và ngày 1/1/1997, tỉnh Hải Dương và Hưng Yên chính thức được tái lập.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Hải Dương đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh đều tăng cao hơn bình quân chung của cả nước, tăng trưởng bình quân trong cả thời kỳ 1997-2016 đạt 9,3%/năm. Năm 2016 quy mô kinh tế lớn gấp 17,2 lần năm 1997. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản-công nghiệp, xây dựng-dịch vụ chuyển dịch từ 35,4%-36,6%-28,0% (năm 1997) sang 15,7%-53,1%-31,2% (năm 2016).

Giai đoạn 2010-2015, Hải Dương đã thu hút được trên 135.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 9.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 72.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã quy hoạch, phát triển 18 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô khá, một số khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.

Hiện nay, Hải Dương có 325 dự án FDI, với số vốn đăng ký 7,2 tỷ USD. Nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 11.000 tỷ đồng, gấp 26 lần so với năm 1997 ; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 47 triệu đồng, gấp 16 lần năm 1997. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, bình quân cả giai đoạn 1997-2016 tăng 28,8%/năm , năm 2016 đạt giá trị gần 5 tỷ USD...

Đây là những tiền đề quan trọng, để từ năm 2017, Hải Dương thực hiện nhiệm vụ tự cân đối thu-chi và có đóng góp vào ngân sách Trung ương.

Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, Hải Dương luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tăng hơn 6,3 lần trong 20 năm qua.

Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, bình quân chung toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; đã có 99 xã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 43,8% số xã); hai đơn vị cấp huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Thị xã Hải Dương, từ một thị xã nhỏ của những năm 90, đến nay đã trở thành đô thị loại 2; đang phấn đấu được công nhận là đô thị loại 1 trước năm 2020. Chí Linh đã trở thành đô thị loại 3, đang phấn đấu nâng cấp lên thành phố. Huyện Kinh Môn đang phấn đấu trở thành thị xã trong thời gian tới.

Bên cạnh các thành tựu về phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều khởi sắc. 20 năm sau ngày tái lập, Hải Dương luôn là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về phổ cập giáo dục và chất lượng học sinh giỏi.

Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, năm 2016 Hải Dương có bình quân 8,2 bác sỹ/ 10.000 dân, tăng 2,5 lần so với năm 1997.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa luôn được chú trọng. Đến nay, UNESCO đã ghi danh loại hình ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; hai khu di tích được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt là Côn Sơn-Kiếp Bạc và An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương, năm cổ vật được công nhận là bảo vật Quốc gia, bảy di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hàng năm, tỉnh đã tạo hơn 30.000 việc làm mới, thu nhập của người lao động được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 6,09%. Tuyệt đại đa số các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại địa phương.

Tại buổi lễ, ghi nhận những thành tựu mà Hải Dương đã đạt được, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương; trao một số Huân chương cao quý của Chủ tịch nước tặng một số cá nhân có những thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động cùng toàn thể nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hải Dương vào thành tựu chung của cả nước suốt 20 năm qua.

Nhấn mạnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức ngày càng lớn và đen xen, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng Bắc Bộ, Hải Dương cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để tạo ra những đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hải Dương cần tập trung một số nội dung, gồm:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỉnh tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển.

Trong thời gian tới, Hải Dương cần phải có những giải pháp quyết liệt để câng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt mức bình quân chung của vùng; từng bước cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, gắn với đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Chuyển từ tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng mạnh vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động ở nông thôn với các ngành nghề đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hai là, tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế nhằm tối ưu hóa nguồn lực trong phát triển, tham gia sâu hơn vào “chuỗi sản xuất,” “chuỗi giá trị.”.Tỉnh cần liên kết hợp tác phát triển với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ tài chính...

Cùng với đó, Hải Dương hợp tác với các địa phương trong Vùng Thủ đô trong phát triển chuỗi đô thị, công nghiệp và dịch vụ trên cơ sở khai thác lợi thế các tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Ba là, phát triển các ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hóa, mở ra các loại hình dịch vụ mới. Hiện đại hóa, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ văn hóa, du lịch, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh cần chú trọng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ ở khu vực nông thôn; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và dạy nghề, quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bốn là, Hải Dương tiếp tục phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện tốt công tác lao động, việc làm, giảm nghèo bền vững và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hình thành các tuyến, sản phẩm du lịch có chất lượng và đặc thù phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. |

Năm là, Hải Dương cần bảo đảm an ninh chính trị, trật tư, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển; tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết hiệu quả các tệ nạn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tỉnh chủ động nắm chắc tình hình dư luận xã hội, làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh trở thành điểm nóng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Hải Dương cần tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), nhất là về xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ và thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm đạt được sau 20 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đoàn kết, nhất trí, đồng sức, đồng lòng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, xây dựng Hải Dương ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tại buổi lễ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, Hải Dương Phạm Văn Thọ phát biểu nhấn mạnh khi mới tái lập, cũng như cả nước, Hải Dương và Hưng Yên còn đứng ở vạch xuất phát thấp. Sau 20 năm đã tiến bộ vượt bậc, có mặt tăng gấp 10, 20 lần thậm chí hàng trăm lần. Trên các mặt chính yếu đều có sự phát triển nhanh, khá toàn diện; đồng thời cho rắng, những thành tựu này sẽ tạo đà cho những bước tiếp theo của Hải Dương trong thời gian tới.

Thay mặt thế hệ trẻ tỉnh Hải Dương, đoàn viên Lưu Thu Liên phát biểu khắc ghi những công lao to lớn, sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước; khẳng định sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện, sẵn sàng cống hiến sức lực và tuổi trẻ của mình để viết tiếp những trang sử vẻ vang của tỉnh Hải Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục