20 năm sau Tuyên bố Bắc Kinh: Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách về giới

Trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Việt Nam được đánh giá là đã xóa bỏ, thậm chí đảo ngược khoảng cách về giới trong giáo dục và cải thiện đáng kể trong việc trao quyền cho phụ nữ.
20 năm sau Tuyên bố Bắc Kinh: Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách về giới ảnh 1Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Việt Nam được đánh giá là đã xóa bỏ, thậm chí đảo ngược khoảng cách về giới trong giáo dục và cải thiện đáng kể trong việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ.

Đây là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm “20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh – Chặng đường phía trước” do Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức ngày 24/6, tại Hà Nội.

Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ 4 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995 đã khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên Trái Đất vì lợi ích toàn nhân loại.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam luôn có Phó Chủ tịch nước là nữ. Số lượng đại biểu Quốc hội là Hội đồng nhân dân các cấp chiếm khoảng1/4 tổng số đại điểu. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển ở Châu Á có tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội cao trong khu vực và trên thế giới.

Trong giáo dục, ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học khoảng cách về giới trong giáo dục đã bị xóa bỏ, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của nam là 98%, nữ là 97,7%, ở cấp trung học tỷ lệ này là 78,3% với nam và 83,9% với nữ. Phụ nữ đã bắt kịp và thậm chí vượt qua nam giới xét trên phương diện đạt được bằng cao đẳng và đại học.

Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam khẳng định: Trong 20 năm qua, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với sự quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.

Việt Nam đã được Liên hợp quốc công nhận đã thúc đẩy việc hoàn thành sớm một số Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng những giải pháp cụ thể cho từng lộ trình thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất chọn các ngày từ 16/11 đến 15/12 hàng năm là “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” và đang xây dựng Chươnh trình quốc gia về bình đẳng giới gia đoạn 2016-2020, Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đây chính là những chính sách thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với quốc tế trong thực Cương lĩnh hành động Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục