20 năm sau bão Linda ở Cà Mau: Bài học từ mất mát đau thương

Sau 20 năm, đời sống của nhân dân vùng này đã có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển hơn, đặc biệt, người dân đã rút được kinh nghiệm "xương máu," chủ động hơn trong phòng chống thiên tai.
20 năm sau bão Linda ở Cà Mau: Bài học từ mất mát đau thương ảnh 1Đánh bắt thủy sản trên vùng biển Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Cơn bão số 5 năm 1997 (bão Linda) đã gây ra nhiều mất mát đau thương ở tỉnh Cà Mau: 128 người chết, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích, 56.291 căn nhà bị sập, 81.269 căn nhà tốc mái, 574 tàu bị chìm và hư hỏng, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 2.700 tỷ đồng.

Trong đó, xã Khánh Hội, huyện U Minh là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất.

Sau 20 năm, đời sống của nhân dân vùng này đã có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển hơn. Đặc biệt, người dân đã rút được kinh nghiệm "xương máu," chủ động hơn trong phòng chống thiên tai.

Nỗ lực vực dậy sau bão

Sau bão Linda, ngư dân vùng biển Khánh Hội, huyện U Minh tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Gia đình nào cũng gánh chịu nỗi đau mất đi người thân là lao động chính, phương tiện làm nghề biển bị chìm, hư hỏng.

Tuy vậy, ngay sau cơn bão, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Khánh Hội đã nén đau thương, nỗ lực khắc phục hậu thiên tai.

Từ nguồn vốn của Chính phủ cho vay sau bão, địa phương đã đầu tư đóng mới, nâng cấp 234 phương tiện khai thác thủy sản công suất trên 90 CV trở lên để triển đội tàu đánh bắt xa bờ.

Xã Khánh Hội đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương ven biển, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Nhờ vậy, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt khoảng 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 lần tính từ thời điểm sau bão.

Thời quan qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đầu tư nguồn vốn trên 134 tỷ đồng để thực hiện dự án nạo vét luồng tàu, hệ thống phao tiêu, đèn báo hiệu và trụ neo đậu tàu thuyền trú bão cho tàu cá kết hợp với bến cá tại cửa biển Khánh Hội.

Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đánh bắt thủy sản có nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

Ông Ngô Thanh Điền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh chia sẻ đến nay, đời sống người dân trong huyện cơ bản được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Đội tàu khai thác thủy sản được khôi phục, bằng số lượng so thời điểm trước cơn bão. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn 40-90 CV trở lên, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, tăng sản lượng khai thác thủy sản hàng năm của huyện.

Quan trọng hơn, sau hai thập kỷ, người dân đã ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trong tâm trí của mỗi người dân Cà Mau mãi không thể quên hình ảnh tàn phá thảm khốc của cơn bão Linda. Nếu mỗi người dân đều hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão, chủ động ứng phó với cơn bão, hậu quả sẽ vơi đi rất nhiều.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Hàng năm, tỉnh luôn tuyên truyền để nhân dân nắm rõ, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lụt bão, tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Khi có thông tin áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện trên biển, người dân trong tỉnh đều được tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ và biện pháp tránh trú bão an toàn.

Tỉnh xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết, triển khai tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Các Đồn Biên phòng thường xuyên liên lạc, thông tin, dự báo kịp thời cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên đang hoạt động trên ngư trường nắm rõ diễn biến của áp thấp nhiệt đới hoặc hướng đi của cơn bão, nhanh chóng tìm nơi tránh trú bão an toàn.

[Áp thấp nhiệt đới vào Cà Mau đúng thời điểm bão Linda 20 năm trước]

Rút kinh nghiệm "xương máu"

Năm 2017, đúng 20 năm sau khi bão Linda tàn phá Nam Bộ, áp thấp nhiệt đới đã quay trở lại vùng biển Cà Mau.

Theo báo cáo của Giám đốc Đài Khí tượng Thủy Văn tỉnh Cà Mau, hồi 7 giờ ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc, 117,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 -7 (40​-60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, Đến 7 giờ ngày 2/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc, 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6- 7 ( 40-60 km/giờ), giật cấp 9. Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn và vùng biển Cà Mau, nước biển có thể dâng cao từ 1,6-2,2m.

Rút kinh nghiệm ''xương máu'' từ sau cơn bão Linda, ngư dân ở vùng biển Cà Mau đã nâng cao nhận thức, chú ý theo dõi thông tin dự báo áp thấp nhiệt đới hoặc các cơn bão, không còn chủ quan như trước đây.

Tỉnh Cà Mau dự kiến tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda) tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân vào ngày 3/11 tới.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, cộng đồng đối với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp tới, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau hiện đang tập trung thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Các địa phương quản lý tàu cá, rà soát phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiển khi xảy ra bão, có kế hoạch bảo vệ các công trình đê xung yếu, các cụm dân cư ven biển, ven cửa sông và các công trình, hạ tầng sản xuất ven biển.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến 5 giờ ngày 1/11, trên vùng biển Cà Mau đang còn 464 tàu thuyền, 2.644 người đang hoạt động trên biển.

Cơ quan chức năng đã liên lạc được 288 tàu, 1.587 người. Hiện có ít nhất 3.380 tàu của tỉnh đã ra khỏi vùng nguy hiểm, di chuyển vào nơi tránh trú an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục