20 năm Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình thành công

Từ một vùng đất nông nghiệp trũng thấp của huyện Thủ Đức, sau 20 năm, khu công nghệ cao hiện là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh.
20 năm Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình thành công ảnh 1Trải nghiệm các công nghệ tại Trung tâm Hợp tác Đào tạo Việt-Hàn thuộc Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thành lập theo Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, với định hướng trở thành một khu kinh tế-kỹ thuật, xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài.

Đây cũng là nơi huy động các nguồn lực về khoa học và công nghệ cao, hình thành lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao.

Từ một vùng đất nông nghiệp trũng thấp của huyện Thủ Đức (nay là thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), sau 20 năm, khu công nghệ cao hiện là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong 3 trụ cột của Khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố.

[Chuyển đổi cơ sở cạnh tranh để giữ vị thế dẫn đầu công nghệ cao]

Trong giai đoạn phát triển giai đoạn mới, Khu công nghệ cao đặt trọng tâm tập trung phát triển năng lực nội sinh.

Với xuất phát điểm thấp của ngành công nghiệp công nghệ cao cách đây hơn 20 năm, Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn phương thức hình thành và phát triển khu công nghệ cao trên cơ sở tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điều này nhằm tiếp thu, lan tỏa công nghệ cao vào trong nước, làm tiền đề phát triển năng lực nội sinh ở giai đoạn sau. Đây là sự lựa chọn chiến lược có tính then chốt quyết định sự phát triển thành công của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Điểm đến lý tưởng

Trong quy hoạch tổng thể, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới hình thành một Trung tâm Quốc gia về công nghệ cao, hạt nhân động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam.

Mục tiêu là xây dựng cơ sở liên kết sản xuất với nghiên cứu - phát triển làm “điểm xúc tác” nâng cao năng lực công nghệ, khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong giai đoạn khởi động, khu công nghệ cao hướng tới là một khu thu hút FDI công nghiệp công nghệ cao từ các công ty đa/xuyên quốc gia có tiềm lực mạnh về công nghệ cao, nhằm thu hút, thích nghi hóa và khuếch tán công nghệ cao tới các ngành công nghiệp có thể mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực.

Đồng thời, Khu cũng bắt đầu các hoạt động nghiên cứu – đào tạo, đặc biệt là ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, nhằm góp phần xây dựng năng lực nội sinh về công nghệ cao.

Hiện khu công nghệ cao có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12,036 tỷ USD; trong đó có 51 dự án FDI với vốn đầu tư 10,106 tỷ USD (chiếm 84%).

Với kết quả này, khu công nghệ cao đã vươn tầm thương hiệu quốc tế, trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao.

Minh chứng là đã có hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới hiện diện như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Italy), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)…

Theo ông Nate Easter, Phó chủ tịch điều hành Chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm ngoài trời Tập đoàn Techtronic Industries (TTI), Khu Công nghệ cao là một trong những địa điểm chiến lược bởi vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, khả năng kết nối mạng lưới cung ứng chặt chẽ và tiếp cận nguồn lao động chất lượng cao.

Triết lý kinh doanh của TTI tương đồng với sứ mệnh của Khu Công nghệ cao, đó là giới thiệu những công nghệ mới nhất đến Việt Nam, góp phần tạo động lực phát triển nền kinh tế tri thức của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

TTI tự hào là một trong những đối tác đồng hành cùng khu công nghệ cao trong hành trình sáng tạo – liên kết – đột phá mà Khu đã nỗ lực không ngừng nghỉ trên suốt chặng đường 20 năm thành lập và phát triển.

Cùng với thu hút đầu tư, các số liệu về hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) của doanh nghiệp cho thấy khu công nghệ cao đang đi đúng hướng với những mục tiêu đề ra từ khi thành lập.

Đến nay có 35/60 dự án có hoạt động R&D (31 dự án sản xuất công nghệ cao và 4 dự án nghiên cứu); trong đó 11 dự án có hoạt động chuyển giao công nghệ.

Các doanh nghiệp có hoạt động R&D nổi bật là Intel Việt Nam, Samsung, Datalogic, Sanofi, Sonion, Nanogen, FPT, Wakamono, Điện Quang…

Hoạt động R&D được triển khai không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp mà còn thực hiện dịch vụ nghiên cứu cho các công ty, tập đoàn khác trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Đây là tiền đề cho việc xây dựng và phát triển nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam hướng đến tạo ra các sản phẩm, công nghệ trên bản đồ công nghệ cao của thế giới.

Gắn với chuyển đổi mô hình phát triển

Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển thành phố nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động.

20 năm Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình thành công ảnh 2Một góc khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Từ chủ trương này, khu công nghệ cao xác định mục tiêu là nơi tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng trưởng cao, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đến nay, giá trị sản xuất lũy kế của khu công nghệ cao đạt 120 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao liên tục tăng qua các năm.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của Khu vẫn tăng và đạt 20,9 tỷ USD, chiếm 51,86% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu khu công nghệ cao đạt 23 tỷ USD, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thành phố.

Ông Nguyễn Anh Thi cho biết bên cạnh thu hút và phát triển dự án công nghệ cao, Ban Quản lý cũng định hướng xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao bởi đây là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và là nhu cầu cấp thiết của những nhà máy sản xuất công nghệ cao; gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp FDI.

Nếu các năm 2011 và 2012, giá trị gia tăng nội địa trong cơ cấu giá trị sản phẩm tạo ra tại khu công nghệ cao chỉ đạt khoảng 6-8%, thì trung bình từ năm 2013 trở đi đạt 20%/dự án.

Hiện nay, khu công nghệ cao đã thu hút được 23 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và 3 dự án dịch vụ công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, tổng vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ đạt 512,72 triệu USD.

Cùng với các dự án FDI, Khu Công nghệ cao (SHTP) cũng thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước, nhận chuyển giao công nghệ cao và thành lập các dự án sản xuất công nghệ cao như: Nanogen (công nghệ sinh học), FPT (sản xuất phần mềm), DGS (vi điện tử), RtR (thiết bị bay không người lái - Drone)… Điều này giúp hình thành các sản phẩm công nghệ cao “Made in SHTP."

“Việc thu hút và hình thành các dự án công nghiệp hỗ trợ sản xuất công nghệ cao đã đóng góp vào sự lan tỏa sản xuất công nghệ cao ra các ngành công nghiệp nội địa, từng bước hình thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu,”ông Thi đánh giá.

Giai đoạn 2021-2025, khu công nghệ cao đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 3 tỷ USD; trong đó thu hút thành công từ 1-2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới.

Điều này hướng tới khẳng định vị thế đầu tàu trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Thi, khu công nghệ cao đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao.

Hiện kim ngạch xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao chiếm hơn 50% kim ngạch hàng xuất khẩu của thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng - phát triển phải dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ, công nghệ cao.

Sự có mặt của các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước, nhất là dự án từ các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, đã góp phần cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nơi đây cũng đồng thời hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục