20 năm Chứng khoán Việt Nam: “Lửa thử vàng” qua khủng hoảng COVID-19

Với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất, lạm phát thấp, chính sách tiền tệ linh hoạt… sẽ là cơ sở để thị trường chứng khoán tiếp tục ổn định.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Với 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, song cũng có không ít thăng trầm.

Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm nay đã tác động tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là một trong những thử thách lớn nhất của thị trường chứng khoán trong nhiều năm gần đây.

Vậy “sức khỏe” của thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào qua đợt khủng hoảng này? Dưới đây là một số phân tích, nhận định của các chuyên gia trong ngành về “sức khỏe” của thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện nay.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) Trịnh Hoài Giang: Thị trường chứng khoán Việt Nam có độ “đàn hồi” khá mạnh mẽ

Trong 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và niêm yết, qua đó hình thành nên nhiều doanh nghiệp lớn…

Bên cạnh đó, sự hiểu biết của nhà đầu tư cá nhân được nâng lên rất nhiều trong thời gian qua, mở ra kênh mới huy động vốn từ nước ngoài vào Việt Nam khá hiệu quả. Hoạt động của thị trường chứng khoán đã làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam trong suốt 20 năm qua.

Mặc dù trong sáu tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, so với các thị trường trong khu vực và thế giới, chứng khoán Việt Nam có mức độ đàn hồi khá mạnh mẽ và hiện đang tăng trưởng tốt. Dù còn không ít rủi ro, song tôi nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ hồi phục tốt.

Với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất, cộng thêm các yếu tố vĩ mô vững chắc, lạm phát thấp, chính sách tiền tệ linh hoạt… sẽ là cơ sở để thị trường chứng khoán tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam Kang Moon Kyung: Thị trường hồi phục tốt, song vẫn cần nhiều công ty IPO mới

"Sức khỏe" của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào ba yếu tố, bao gồm chuyển động của thị trường chứng khoán, hiệu quả kinh doanh của các công ty niêm yết và các tác động của nền kinh tế.

Thống kê cho thấy, sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam với mức giảm mạnh khoảng 36% trong quý 1/2020. Tuy nhiên, ngay sau đó các chỉ số chứng khoán đã phục hồi đáng kể từ tháng 3/2020. Hiệu suất này tương đương với thị trường chứng khoán quốc tế.

Ngoài ra, "sức khỏe" của các công ty niêm yết không quá tiêu cực. Tính đến ngày 14/7/2020, có 1.368 công ty phi tài chính niêm yết trong tổng số 1.644 công ty phi tài chính niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2020; trong đó, tổng doanh thu thuần được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong sáu tháng đầu tiên, doanh thu của các công ty trên chỉ giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: Fiinpro). Đối với các ngân hàng thương mại niêm yết, lợi nhuận trước thuế có kế hoạch tăng 4,9% (Nguồn: Fiinpro). Thêm vào đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất có sự phục hồi mạnh mẽ ngay sau chạm đáy trong tháng 4/2020.

Theo tôi, những kết quả trên là hợp lý và tích cực khi Chính phủ Việt Nam đã cố gắng hết sức để chống lại sự bùng nổ của dịch COVID-19. "Sức khỏe" của thị trường chứng khoán theo đó đã cải thiện đáng kể.

Một trong những điểm quan trọng để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam là chất lượng của các công ty niêm yết trong nhóm VN30. Sẽ có ngày càng nhiều quỹ ETF (hoán đổi danh mục) mô phỏng theo chỉ số VN30. Do vậy, nếu chất lượng của một số doanh nghiệp trên VN30 không tốt, các nhà đầu tư có thể do dự. Tôi hy vọng rằng, qua kỳ đánh giá vào tháng 7/2020 sẽ bổ sung các công ty đủ điều kiện vào rổ VN30.

Ngoài ra, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã khá chậm trễ. Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Thế nhưng, đã không có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa trong sáu tháng đầu năm 2020. Thị trường chứng khoán cần nhiều công ty IPO mới để tăng giá trị giao dịch và vốn hóa thị trường cũng như tăng thêm sự lựa chọn nhằm đáp ứng khẩu vị của nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Để thu hẹp khoảng cách với thị trường chứng khoán quốc tế, tôi nghĩ đến một số giải pháp ngắn hạn bao gồm chuyển các công ty niêm yết đủ điều kiện từ UPCOM sang HOSE và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mới như Vinaphone, Mobifone… Khi đó, vốn hóa thị trường và thanh khoản có thể tăng lên, thu hút sự chú ý nhiều hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Về lâu dài, các nhà hoạch định chính sách có thể tuân theo tiêu chuẩn giao dịch quốc tế, cho phép vừa mua, vừa bán chứng khoán trong ngày (T+0), loại bỏ tỷ lệ giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và cho phép bán ngắn… sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn và giao thoa với thị trường quốc tế.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam Park Won Sang: Nhiều người Hàn Quốc muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 tác động mạnh lên thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không tránh khỏi đợt suy giảm mạnh này. Tuy nhiên, lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam không nhiều so các thị trường chứng khoán cận biên khác.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này, đã có nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường để bắt đáy. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam có tốc độ phục hồi nhanh hơn so với các thị trường quốc gia lân cận.

Tuy vậy, hiện dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn khá khiêm tốn. Thị trường muốn tăng mạnh hơn thì cần dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa.

Tôi thấy có rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm, muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng lo ngại các mã cổ phiếu lớn đã hết room cho nhà đầu tư ngoại. Do vậy, nếu quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán được tháo gỡ thì sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục