20% bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện có các tổn thương về thận

Theo Tiến sỹ Marina Wainstein, các số liệu hiện có cho thấy khoảng 20% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện có các tổn thương AKI và con số này là 40% với những người điều trị tích cực.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà nghiên cứu Australia cho rằng hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trên thế giới có thể đã không được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh về thận nguy hiểm chết người.

Tổn thương thận nghiêm trọng (AKI) xảy ra khi cơ quan này bỗng dưng không lọc máu nữa, đôi khi dẫn tới cơ thể suy nhược hoặc thậm chí tử vong. Trường hợp này thường có nguyên nhân là các biến chứng của các bệnh nghiêm trọng khác.

Nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Queensland cũng là chuyên gia về thận, Marina Wainstein cho biết các số liệu hiện có cho thấy khoảng 20% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đã có các tổn thương AKI và con số này là 40% đối với những người phải điều trị tích cực.

[Dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ bị bệnh tắc động mạch phổi]

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa PLOS ngày 3/6. Bà Wainstein cho biết: “Các bác sỹ nghiên cứu mẫu nước tiểu của bệnh nhân và mức creatinine trong máu, các chất này sẽ tăng khi thận không hoạt động tốt. Tuy nhiên, nếu lượng creatinine tăng trước khi bệnh nhân nhập viện, chúng ta bỏ lỡ chẩn đoán AKI và không xử lý bệnh một cách phù hợp.”

Theo chuyên gia trên, khi lượng creatinine giảm, thường là sau một đợt tăng ban đầu, tỷ lệ chẩn đoán AKI ở bệnh nhân COVID-19 tăng gấp đôi. Ngoài ra, ngay cả khi lượng AKI bắt đầu được cải thiện trong thời gian bệnh nhân nằm viện, nghiên cứu cũng cho thấy các bệnh nhân này có khả năng tử vong cao hơn so với các bệnh nhân không có AKI.

Theo bà Wainstein, điều trị AKI có thể đơn giản như kiểm tra mức độ hydrat hóa và ngừng các loại thuốc có thể gây hại thận.

Giảng viên cấp cao về vật lý y khoa của Đại học Queensland, Sally Shrapnel cho biết việc thu thập và phân tích dữ liệu cho dự án trong thời đại dịch là thách thức rất lớn, khi các nhân viên y tế phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn.

Theo bà Shrapnel, nghiên cứu này bao gồm cả dữ liệu từ các nước “có ít nguồn lực,” nơi AKI khá phổ biến. Bà nói: “Những người này ít được tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế và thường đến viện khi bệnh đã đến giai đoạn cuối.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục