2 nhà mạng nộp hồ sơ tham gia đấu giá băng tần dành cho 4G, 5G

Ngày 19/4 sẽ hết hạn nộp hồ sơ đấu giá băng tần 4G và 5G. Hiện tại, đã có 2 nhà mạng nộp hồ sơ tham gia đấu giá băng tần dành cho 4G, 5G
2 nhà mạng nộp hồ sơ tham gia đấu giá băng tần dành cho 4G, 5G ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vinaphone)

Ngày 19/4 là hạn cuối cùng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận hồ sơ để lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400 MHz.

Thông tin đến cuối ngày 18/4, đã có 2 nhà mạng nộp hồ sơ tham dự đấu giá băng tần này. Theo đại diện Cục Tần số, giá khởi điểm đối với băng tần 2300-2400 MHz là 12,88 tỷ đồng/MHz cho một năm được phép sử dụng và mỗi doanh nghiệp đấu giá sẽ là 30 MHz.

[Quy hoạch băng tần để phát triển 5G tại Việt Nam và các nước ASEAN]

Trước đó vào ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã ký ban hành Quyết định số 219/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz.

Doanh nghiệp tham gia đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G), theo nguyên tắc triển khai công nghệ nào sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced, IMT-2020).

Việc doanh nghiệp nộp hồ sơ với hạn cuối cùng là ngày 19/4/2023 được coi là "tấm vé" để chính thức tham gia đấu giá băng tần 2.300-2.400 MHz.

Để nhận được "tấm vé" này, doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định số 88/2021/NĐ-CP như: Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước đó với Nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện, hoàn thành đóng góp tài chính vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích….

Tại phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT (được ban hành kèm theo Quyết định 219/QĐ-BTTTT ngày 21/2/2023), Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, có 3 khối băng tần được đấu giá, gồm: A1 (2.300-2.330MHz), A2 (2.330-2.360MHz), A3 (2.360-2.390MHz). Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.

Giá khởi điểm của cả 3 khối băng tần A1: 2.300-2.330MHz; A2: 2.330-2.360MHz; A3: 2.360-2.390MHz đều là trên 5.798 tỷ đồng/khối. Bước giá với cả 3 khối là 10 tỷ đồng/khối. Tiền đặt trước được quy định tối thiểu là 5%, tối đa là 20%. Cụ thể, tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá với 3 khối băng tần là 580 tỷ đồng/khối.

Ngày 24/3, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã có Thông báo số 565/TB-CTS về việc công khai kết quả lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400 MHz. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) được lựa chọn để tổ chức đấu giá lần này.

Đến cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục