Sáng 2/10, Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện cứu hộ 2 cá thể gấu từ một hộ gia đình ở trên địa bàn xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) và đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II. Đây là “ngôi nhà gấu Việt Nam” cơ sở 2, mới xây ở trong khuôn viên Vườn quốc gia Bạch Mã tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hai cá thể gấu trên cũng là thành viên đầu tiên được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II.
Hiện nay, trung tâm này đã hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1 với khu cơ sở vật chất, bệnh viện, khu cách ly tạm thời và 2 nhà gấu đôi với bốn khu bán tự nhiên.
[Việt Nam thúc đẩy hành động vì đa dạng sinh học và hệ sinh thái]
Theo Tổ chức Động vật châu Á, các cá thể gấu trên được cứu hộ thông qua việc người dân tự nguyện viết đơn chuyển giao và không đòi hỏi bất cứ một nguồn kinh phí nào của Nhà nước cũng như tổ chức bảo tồn.
Các cá thể gấu trên được người dân nuôi từ năm 2006 với mục đích thương mại. Tính đến nay, gấu đã sống trong điều kiện nuôi nhốt gần 20 năm, trong khi tuổi tự nhiên của gấu là từ 30-35 năm tuổi. Các cá thể gấu này đã nuôi nhiều năm nên đều bị rụng lông và có những vệt mất da.
Trong sáng 2/10, Tổ chức Động vật châu Á đã tiến hành thực hiện biện pháp ghép lồng vận chuyển với lồng hiện tại và dụ gấu sang lồng bằng các đồ ăn mà chúng yêu thích như chuối, quả khô, mứt, sữa đặc và mật ong.
Các cá thể gấu đều rất linh hoạt, đáp ứng tốt với các tương tác của các chuyên gia chăm sóc gấu và nhanh chóng bước sang lồng vận chuyển. Tuy nhiên, theo Tổ chức Động vật châu Á, khi về trung tâm cứu hộ, các bác sỹ thú y mới có thể đánh giá được chính xác tình trạng sức khoẻ của gấu.
Hai cá thể gấu trên được đặt tên là Amstrong (gấu đực) và Buzz (gấu cái), tên của hai phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Cuối giờ sáng cùng ngày, đoàn cứu hộ đã lên đường di chuyển gần 800km từ xã Phụng Thượng về Vườn quốc gia Bạch Mã. Theo kế hoạch, cứ 2-3 tiếng đi trên đường, nhân viên chăm sóc sẽ kiểm tra và tiếp nước, lá chuối và cho gấu ăn để đảm bảo sức khỏe tốt cho gấu.
Dự kiến, đoàn cứu hộ gấu sẽ về tới Vườn Quốc gia Bạch Mã vào chiều ngày mai, 3/10.
Quá trình cứu hộ gấu được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội hỗ trợ mọi thủ tục bàn giao và phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Động vật châu Á trong công tác đưa gấu về trung tâm cứu hộ ở Vườn quốc gia Bạch Mã để chăm có, bảo vệ.
Theo đại diện Tổ chức Động vật châu Á, hiện tại tổ chức này đang phát động chiến dịch gây quỹ trên toàn thế giới với khẩu hiệu “Nobearleftbehind - Không để một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau” vì mục tiêu cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu trong các trại nuôi nhốt tại Việt Nam.
Kể từ khi bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam vào năm 2006 đến nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ, chăm sóc 267 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam.
Riêng tại thành phố Hà Nội, nhờ sự vận động và tuyên truyền hiệu quả, trong vòng 2 năm gần đây, Tổ chức Động vật châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã vận động cứu hộ được 16 cá thể gấu. Lần cứu hộ hôm nay là chuyến cứu hộ thứ bảy trong năm 2023 của tổ chức này.
Trước đó, từ đầu năm 2023, 6 cá thể gấu ngựa đã được cứu hộ từ xã Phụng Thượng về với Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam ở Vườn quốc gia Tam Đảo.
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện còn 97 cá thể gấu nuôi nhốt trong 15 cơ sở và các cơ quan chức năng vẫn triển khai vận động, kiểm tra định kỳ thường xuyên tới các hộ nuôi gấu.
Trong khi đó, theo Cục Kiểm lâm Việt Nam, trên cả nước còn khoảng hơn 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu. Tại các trại, gấu bị nhốt trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật.
“Vì thế, gấu bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên,” đại diện Tổ chức Động vật châu Á nhấn mạnh./.