19 cán bộ y tế phơi nhiễm với HIV đã được điều trị dự phòng kịp thời

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã xử trí đúng quy trình của Bộ Y tế từ việc đánh giá nguy cơ, xét nghiệm HIV, tư vấn và cấp thuốc điều trị dự phòng cho 19 cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu bệnh nhân.
Điều trị thuốc kháng HIV (ARV). (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Trước sự việc 1​9 cán bộ y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm với HIV trong khi cấp cứu bệnh nhân đang được cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có cuộc trao đổi với phóng viên về nguy cơ lây nhiễm HIV đối với những cán bộ y tế này và các biện pháp xử trí.

- Mấy ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về 18 y bác sỹ cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội phơi nhiễm với HIV? Xin Cục trưởng cho biết rõ hơn về sự việc này?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã xác minh sự việc trên. Theo đó, ngày 4/7 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cấp cứu cho một nữ bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc, thở ngáp cá và có thể nói là rất nguy kịch. Bệnh viện phải huy động hàng chục y bác sỹ từ các khoa phòng để giành giật sự sống cho người bệnh.

Người bệnh đã được mổ cấp cứu cắt tử cung, truyền máu, hồi sức tích cực và đến nay đã dần bình phục. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã nhiễm HIV và trong lúc cấp cứu dành sự sống cho bệnh nhân, 1​9 cán bộ y tế trong đó có các cán bộ y tế cấp cứu, tham gia phiên mổ và chăm sóc sau mổ ít nhiều đã tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân. Trong chuyên môn, đây được gọi là những trường hợp phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp.

Cấp cứu bệnh nhân là công việc thường xuyên của các bệnh viện. Tuy nhiên, việc một lúc nhiều cán bộ y tế cùng bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trong trường hợp này là ít gặp. Đây cũng thể hiện sự cống hiến, hy sinh thầm lặng và thường xuyên của đội ngũ cán bộ y tế mà không phải ai cũng biết.

- Xin Cục trưởng cho biết về nguy cơ lây truyền HIV trong những trường hợp này và hiệu quả của điều trị dự phòng mà các cán bộ y tế đang được điều trị; việc xử lý của Bệnh viện Phụ sản đối với các cán bộ y tế có đúng quy trình không?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Những tiếp xúc thông thường trong cuộc sống hàng ngày (như ăn uống, sinh hoạt chung, bắt tay, ôm) thì không thể lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV.

Tuy vậy, dù tiếp xúc trực tiếp thì khả năng bị lây nhiễm HIV cũng rất thấp (chỉ khoảng vài phần ngàn) tùy theo tính chất, mức độ phơi nhiễm, vị trí phơi nhiễm, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV...

Trong số 1​9 cán bộ y tế trực tiếp tham gia cứu chữa cho bệnh nhân, cần đặc biệt quan tâm đến những cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh. Khi xảy ra sự việc, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã xử trí theo đúng quy trình và hướng dẫn của Bộ Y tế từ việc đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm HIV, tư vấn cho các cán bộ y tế.

Đồng thời, bệnh viện cũng đã liên hệ ngay với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội để cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm cho tất cả ​ 19 cán bộ y tế này, bất kể đó là ngày nghỉ cuối tuần.

Được điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm thì có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV.

Hơn nữa, bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại Quảng Ninh đã hai năm nay. Những bệnh nhân nhiễm HIV khi được điều trị ARV thường xuyên thì tải lượng virus HIV trong máu xuống thấp, có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.

Sự việc xảy ra là một trong những rủi ro nghề nghiệp đối với các cán bộ y tế. Tuy nhiên, với nguy cơ lây nhiễm không cao, người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc ARV, đồng thời bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội đã xử trí rất đúng quy trình nên các cán bộ y tế có thể sẽ không bị lây nhiễm HIV trong trường hợp này.


- Cục trưởng có thể cho biết về các xử trí khi cán bộ y tế bị phơi nhiễm với HIV và họ sẽ được những quyền lợi như thế nào?


Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long:
Việc xử trí các trường hợp phơi nhiễm HIV, trong đó có phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp đã được hướng dẫn rõ ràng trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn kèm theo như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, người bị phơi nhiễm HIV phải xối ngay vết thương hay rửa ngay bộ phận bị phơi nhiễm dưới vòi nước. Nếu là vết thương chảy máu thì để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Với các phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, mũi miệng thì rửa bằng nước muối 0,9% nhiều lần và xúc miệng bằng nước muối 0,9% nhiều lần. Ngay sau đó, báo cáo người phụ trách và làm biên bản nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm. Đồng thời, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, xác định tình trạng nhiễm HIV của nguồn phơi nhiễm (trong trường hợp này là người bệnh) và tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm, tư vấn cho người bị phơi nhiễm.

Nếu xác định có nguy cơ, người bị phơi nhiễm sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV trong vòng bốn tuần. Việc điều trị dự phòng cần tiến hành sớm ngay sau khi bị phơi nhiễm từ 2-6 giờ hoặc thời gian tối đa là trước 72 giờ. Sau 72 giờ việc điều trị là không có tác dụng dự phòng.

Cán bộ bị phơi nhiễm sẽ được tư vấn về điều trị, tư vấn xét nghiệm lại sau 1, 3, 6 tháng. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn, điều trị và xét nghiệm đều được miễn phí.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, cán bộ bị phơi nhiễm được nghỉ việc để điều trị dự phòng trong 20 ngày làm việc, được hưởng nguyên lương và phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục