Tối 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc đã vượt khó vươn lên, đóng góp cho những thành công của giáo dục nước nhà.
Đây là chương trình ý nghĩa, được tổ chức hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ năm 2018 là năm thứ 5 ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế, nhưng ngành giáo dục đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Hệ thống cơ sở giáo dục-đào tạo phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở.
[Cô giáo của những học sinh đặc biệt: Những nỗ lực phi thường]
Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất. Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; số lượng học sinh đoạt các huy chương Olympic quốc tế tăng đều hàng năm.
Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện một bước. Lần đầu tiên, Việt Nam có hai trường đại học nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đóng góp vào thành tích chung của ngành giáo dục là sự quyết tâm, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành - những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.
Những thầy cô có mặt trong chương trình này là những người tận tụy hết lòng vì học sinh; những giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi, những gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo dạy học và nghiên cứu khoa học... Các thầy cô giáo đại diện cho hàng triệu giáo viên trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục.
Năm nay, êkíp thực hiện chương trình “Thay lời tri ân” đã lựa chọn chủ đề "Cống hiến" để mang đến những câu chuyện cảm động về nghề giáo.
Điểm nhấn của chương trình là giao lưu, tọa đàm với những gương mặt nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ nhà giáo đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh đó, thông qua các phóng sự như Cõng chữ lên non ở Yên Bái, Lớp học trên đỉnh Tà Vân, Người thầy của cù lao sông nước…, hình ảnh về các thầy, các cô trên mọi miền đất nước đã toát lên vẻ đẹp của sự cống hiến, tận tâm, tận lực với nghề.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng cùng ngày, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng tổ chức lễ dâng hương, trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018./.