Ngày 29/2, Bộ trưởng Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc Doãn Úy Dân cho biết Bắc Kinh dự kiến sẽ sa thải 1,8 triệu công nhân trong ngành than và thép, tương đương 15% lực lượng lao động nước này, trong nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa công suất trong hai ngành này.
Cụ thể, 1,5 triệu nhân công trong ngành than và 500.000 công nhân trong ngành thép có khả năng mất việc. Tuy chưa công bố thời điểm thực hiện, song đây có thể được coi là động thái đầu tiên khẳng định nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó với tình trạng kinh tế giảm tốc cũng như sự “bùng nổ” của các doanh nghiệp quốc doanh.
Hiện nay, hạn chế tình trạng thất nghiệp và giải quyết những bất ổn có thể xảy ra là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc vừa cho biết nước này sẽ phân bổ 100 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD) trong vòng hai năm để giải quyết tình trạng công nhân bị thất nghiệp do những nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa công suất trong các ngành như than và thép.
Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh cũng cam kết sẽ giảm sản lượng thép và than khoảng 100-150 triệu tấn và 500 triệu tấn tương ứng trong vòng 3-5 năm tới, đồng thời dự định loại bỏ hàng trăm doanh nghiệp "ốm yếu."
Ngành thép Trung Quốc dư thừa công suất hàng năm vào khoảng 400 triệu tấn, tương đương gần 50% tổng sản lượng của cả nước trong năm 2015.
Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho biết con số này có khả năng tăng cao hơn nữa trong năm 2016.
Tình trạng dư cung đang ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp của nước này trong nhiều năm trở lại đây, gây thiệt hại tới không chỉ các lĩnh vực kinh tế của đất nước mà còn tới cả nền kinh tế toàn cầu nói chung và tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng.
Không những thế, tình trạng này còn tạo ra căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các nước phát triển, khi những nước này cáo buộc Bắc Kinh bán phá giá các sản phẩm tại thị trường của họ./.