Tỏi được trồng ở nhiều nơi trên thế giới và là một nguyên liệu phổ biến trong nấu ăn. Không chỉ là một loại gia vị, tỏi sống còn được biết đến là một "loại thuốc" tự nhiên rất tốt đối với sức khoẻ của con người.
Tỏi có tên khoa học Allium sativum L. thuộc họ Hành - Alliaceae.
Trong tỏi sống có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình cứ 100g tỏi sống sẽ có chứa 6,36g protein, khoảng 33g carbohydrates và 150g calo. Bên cạnh đó, trong tỏi cũng có chứa nhiều dưỡng chất thuộc vitamin nhóm B (như B1, B2, B3 và B6). Một số khoáng chất tự nhiên khác cũng có trong tỏi như Fe, Ca, K, Ma, Mg, P,...
Theo bác sỹ Lê Thân trong sách "Thuốc ở quanh ta," củ tỏi có giá trị sử dụng và giá trị sinh học cao, nó là dược thảo có tác dụng toàn diện đối với sức khoẻ con người, dùng để tăng nhiệt cho cơ thể, diệt vi khuẩn rất mạnh, là thuốc chống virus, một chất bồi bổ hệ thống miễn dịch, giúp điều hòa đường máu, trị giun.
Tỏi có vị đậm đà, cay nồng và có hương vị thơm ngon và có đặc tính chữa bệnh, tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ đến tác dụng phụ của tỏi chưa?
Ăn quá nhiều tỏi có liên quan đến rối loạn chảy máu, tiêu chảy, tổn thương gan, nôn mửa, buồn nôn và ợ nóng. Vậy tỏi có hại không? Cùng tìm hiểu 15 tác dụng phụ của tỏi và những điều cần cân nhắc trước khi ăn.
1. Có thể gây tổn thương gan
Tiêu thụ tỏi quá mức có thể ảnh hưởng đến gan. Mặc dù tỏi sống có khả năng chống oxy hóa nhưng ăn quá nhiều có thể dẫn đến nhiễm độc gan. Theo nghiên cứu trên chuột, tiêu thụ tỏi với liều lượng cao (0,5 gram tỏi/kg trọng lượng cơ thể) có thể gây tổn thương gan. Tuy nhiên, dùng tỏi liều thấp (0,1 gam đến 0,25 gam cho mỗi kg trọng lượng cơ thể) hàng ngày sẽ an toàn cho gan (2).
2. Có thể gây mùi hôi
Theo một nghiên cứu, hơi thở có mùi tỏi và mùi cơ thể là hai trong số những tác dụng phụ phổ biến nhất liên quan đến tỏi. Thiếu vệ sinh cá nhân không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra mùi cơ thể, vì việc tiêu thụ tỏi cũng có thể gây ra mùi hôi.
3. Có thể gây buồn nôn, nôn và ợ nóng
Có nhiều bằng chứng cho thấy ăn tỏi tươi khi bụng đói có thể gây trào ngược axit, buồn nôn, nôn và ợ chua. Một số nghiên cứu quan sát cũng cho thấy dùng tỏi có thể gây ợ nóng và buồn nôn. Ăn quá nhiều tỏi cũng có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở một số người.
4. Có thể gây tiêu chảy
Tiêu thụ tỏi tươi quá mức có thể gây tiêu chảy. Tỏi có thể gây tiêu chảy vì nó có thể gây đầy hơi.
5. Có thể gây ra các vấn đề về dạ dày
Trong tỏi có chứa fructan là một hợp chất gây ra nhiều vấn đề cho dạ dày và đường ruột. Ăn tỏi quá nhiều sẽ kích thích trực tiếp đường tiêu hoá, có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Từ đó có thể gây ra các triệu chứng cồn cào, ợ nóng, đầy hơi thậm chí là viêm loét dạ dày, tá tràng.
6- Có thể làm hạ huyết áp quá nhiều
Tỏi có thể làm giảm huyết áp, nếu bạn đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao, nó có thể dẫn đến hạ huyết áp quá nhiều (huyết áp thấp).
7. Có thể làm nặng thêm tình trạng chảy máu
Tỏi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu do đó, không được dùng cùng với thuốc làm loãng máu như warfarin. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp tỏi tươi. Tốt hơn hết, bạn nên ngừng tiêu thụ tỏi ít nhất 7 ngày trước khi phẫu thuật theo lịch trình. Tỏi có tác dụng kháng tiểu cầu và có thể làm tăng xu hướng chảy máu trong khi phẫu thuật.
8. Có thể gây đổ mồ hôi
Theo một số nghiên cứu, tỏi cũng có thể gây đổ mồ hôi nhiều ở một số người.
9. Có thể gây chóng mặt
Ngoài gây hại cho hệ tiêu hóa, ăn quá nhiều tỏi có thể gây chóng mặt. Tỏi làm hạ huyết áp, khi huyết áp giảm, não không nhận đủ oxy từ máu nên gây chóng mặt, mệt mỏi và ngất xỉu.
10. Có thể gây bệnh chàm hoặc phát ban
Tiếp xúc lâu dài với tỏi có thể gây kích ứng da. Một số enzyme cụ thể trong tỏi có thể dẫn đến tình trạng kích ứng này. Bệnh chàm cũng có thể là một trong những tình trạng đi kèm với chứng dị ứng này.
Theo một nghiên cứu, việc thường xuyên sử dụng tỏi để nấu ăn có thể dẫn đến phát ban da, nổi mề đay và ngứa.
11. Có thể tương tác với một số loại thuốc
Theo một nghiên cứu, tỏi được phát hiện có tương tác với các loại thuốc, chẳng hạn như chlorpropamide, fluindione, ritonavir và warfarin.
12. Có thể gây đau đầu
Tỏi, đặc biệt là khi dùng ở dạng thô, có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Mặc dù nó không trực tiếp gây ra chứng đau nửa đầu nhưng nó kích hoạt quá trình gây ra chứng đau nửa đầu.
Mặc dù lý do chính xác cho hiện tượng này vẫn chưa rõ ràng nhưng một số chuyên gia tin rằng nó có thể liên quan đến dây thần kinh sinh ba - đường dẫn truyền cảm giác đau chính trong cơ thể. Ăn quá nhiều tỏi có thể kích thích dây thần kinh này giải phóng các phân tử tín hiệu thần kinh gọi là peptide thần kinh lan tới màng bao phủ não của bạn và gây đau đầu.
13. Có thể làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng nấm men (âm đạo)
Tỏi có thể gây kích ứng mô mềm của âm đạo. Một số phụ nữ nhét tép tỏi vào âm đạo như một phương pháp điều trị nhiễm nấm âm đạo và điều này là không nên.
14. Có thể gây ra giảm thị lực
Ăn quá nhiều tỏi có thể làm giảm thị lực, nếu nghiêm trọng nguy cơ cao sẽ làm mất thị lực. Nguyên nhân do xảy ra hiện tượng xuất huyết trong khoang trước của mắt (khoảng trống giữa mống mắt và giác mạc).
Người đang bị bệnh về mắt, thị lực yếu thì nên hạn chế ăn tỏi và cần tư vấn y tế khi mắt cảm thấy khó chịu hay dấu hiệu bất thường.
15. Có thể gây phồng rộp
Tiếp xúc qua da với tỏi có thể gây phồng rộp ở những người bị dị ứng với tỏi. Tình trạng này còn được gọi là bỏng tỏi và được cho là do sự hiện diện của các hợp chất như allicin, có thể gây kích ứng da và gây ra phản ứng dị ứng.
Lợi ích của việc ngủ trưa và 7 mẹo để có một giấc ngủ trưa chất lượng
Một giấc ngủ trưa được ví như “loại thuốc tăng cường hiệu suất," giúp con người tỉnh táo hơn, cải thiện tâm trạng và trí nhớ. Tuy nhiên, vẫn cần chút kỹ năng để có một giấc ngủ trưa chất lượng.
Mức độ bỏng tỏi phụ thuộc vào các yếu tố như độ nhạy cảm của da và thời gian tiếp xúc. Xử lý tỏi hoặc nước ép tỏi trong thời gian dài có thể gây bỏng, đỏ, ngứa và thậm chí có thể dẫn đến hoại tử. Hơn nữa, tỏi sống nghiền nát là chất gây kích ứng mạnh có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng, một tình trạng đặc trưng bởi phát ban ngứa ở những người nhạy cảm trước đây, do đó hãy thận trọng khi xử lý tỏi.
Theo chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Jesse Feder của Bệnh viện khu vực Memorial South (Mỹ), tỏi không độc hại. tuy nhiên, để tránh tác dụng phụ không mong muốn, thông thường chỉ nên ăn 1-2 tép tỏi sống mỗi ngày./.