15 quốc gia EU tham gia cấm sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen

15 quốc gia EU tham gia luật cấm sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen

Đã có 15 trên tổng số 28 quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu nhất trí với luật loại bỏ các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen (GMO) khỏi toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ.
15 quốc gia EU tham gia luật cấm sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen ảnh 1Biểu tình tại Paris (Pháp), phản đối tập đoàn Monsanto và thực phẩm biến đổi gen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đã có 15 trên tổng số 28 quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhất trí với luật loại bỏ các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen (GMO) khỏi toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ trong bối cảnh thời hạn chót cho vấn đề này đang đến gần.

Số lượng các quốc gia muốn loại bỏ hoàn toàn việc nuôi trồng cây, con giống biến đổi gen đang ngày càng tăng lên, trong đó phải kể đến hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp.

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ chỉ áp dụng lệnh cấm trên lãnh thổ Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland trong khi vẫn cho phép canh tác và kinh doanh các sản phẩm biến đổi gen trên lãnh thổ Anh.

Bỉ cũng sẽ chỉ cấm canh tác GMO tại vùng Wallonia miền Nam quốc gia này. Ngoài ra, các quốc gia khác như Áo, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Hy Lạp, Hungary, Italy, Latvia, Litva, Hà Lan và Ba Lan sẽ cấm canh tác GMO trên toàn bộ lãnh thổ.

Luật mới cho phép các quốc gia thành viên cấm canh tác GMO xét theo các chính sách về môi trường ngay cả khi các nhà sản xuất khẳng định việc nuôi trồng này đáp ứng yêu cầu của EU về sự an toàn và sức khỏe người tiêu dùng.

Nuôi trồng GMO trước đó đã được EU cho phép, vì vậy cấm GMO có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ phía các ông lớn trong ngành sản xuất thực phẩm biến đổi gen như Monsanto and Dow. Khi đó quốc gia thành viên sẽ phải dựa vào những lý do như các vấn đề về môi trường và nông nghiệp phát sinh để ban hành lệnh cấm.

Trước đó, EU đã cấm 70 dòng sản phẩm biến đổi gen bao gồm thực phẩm cho người, thức ăn gia súc và các loại hoa biến đổi gen.

Kể từ khi luật cấm GMO được đưa ra bàn thảo từ năm 2010, các bên liên quan đã không thể đi đến thống nhất chung. Bên ủng hộ lo ngại các sản phẩm biến đổi gen có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp địa phương truyền thống.

Trong khi bên phản đối lại cho rằng biến đổi gen là công nghệ cần thiết giúp đáp ứng nhu cầu thực phẩm khi dân số toàn cầu gia tăng không ngừng. Điều này buộc các lãnh đạo EU phải đưa ra quyết định để các quốc gia tự lựa chọn có tham gia lệnh cấm hay không.

Ngày 3/10 là hạn chót chốt danh sách các quốc gia sẽ tham gia lệnh cấm GMO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục