Kể từ khi quân đội Israel mở chiến dịch “Bảo vệ biên giới” chống lại các tay súng vũ trang Hamas đến nay, khoảng 1.890 quả rocket đã được bắn vào lãnh thổ Israel, trong đó có cả những thành phố lớn như Tel Aviv, Jerusalem và Haifa.
Tuy nhiên, nhờ hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt” hiện đại, con số thiệt hại về người và tài sản của Israel là không đáng kể.
Cho đến nay, hệ thống tên lửa hiện đại này đã đánh chặn thành công đến 90% các cuộc tấn công từ Gaza.
Có thể nói, không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới có thể tiêu diệt các loại hạ rocket tầm ngắn và tầm trung hiệu quả như vậy. Thậm chí, nhiều nhà phân tích còn cho rằng hệ thống “Vòm Sắt” sẽ là nhân tố thay đổi cục diện chiến sự tại Gaza trong thời gian tới.
Dưới đây là 15 sự thật ít được biết đến về loại tên lửa hiện đại này:
1- “Vòm Sắt” là một hệ thống nhiệm vụ kép duy nhất trên thế giới cung cấp một giải pháp bảo vệ hiệu quả cho việc chống lại tên lửa, pháo binh và súng cối cũng như máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái. Nó có thể phát hiện và đánh chặn tên lửa và đạn pháo trong phạm vi bán kính 70km.
2- Một chiếc xe đồ chơi của hãng Toys R Us được các nhà thiết kế sử dụng để chế tạo hệ thống “Vòm Sắt.”
Một trong những nhà phát triển hàng đầu của hệ thống này mới đây đã nói với tờ Hayadan, tạp chí của Viện công nghệ Technion-Israel, rằng do lịch trình và ngân sách hạn chế, một vài thành phần của tên lửa này đã được lấy từ chiếc xe đồ chơi mà anh ta mua cho cậu con trai tại một cửa hàng đồ chơi.
3- Hệ thống “Vòm Sắt” được thiết kể để một nữ quân nhân có chiều cao khoảng 1m60 và nặng 48kg có thể dễ dàng sử dụng.
4- “Vòm Sắt” có thể xử lý nhiều mối đe dọa cùng lúc và hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ đánh chặn một tên lửa nếu nó được coi là mối đe dọa nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, một tên lửa đánh chặn trang bị đầu đạn đặc biệt sẽ được kích hoạt và phá hủy các mục tiêu trên không trong vòng vài giây.
5- Chi phí cho mỗi quả tên lửa trong hệ thống “Vòm Sắt” ước tính vào khoảng từ 20.000 đến 100.000 USD. Trong khi các tên lửa do các nhóm vũ trang bắn vào lãnh thổ Israel chỉ có giá vào khoảng từ vài trăm đến vài nghìn USD.
6- Phải mất 4 năm để phát triển hệ thống “Vòm Sắt” từ ý tưởng đến bản vẽ và đưa vào sử dụng trên thực địa.
Năm 2007, một năm sau cuộc chiến với Liban, Bộ trưởng quốc phòng Israel lúc ấy là Amir Peretz đã chọn dự án phát triển hệ thống “Vòm Sắt” làm câu trả lời cho bài toán phòng thủ của Israel.
Đến tháng 3/2011, “Vòm Sắt” được tuyên bố chính thức đi vào hoạt động. Tháng 4 cùng năm, hệ thống phòng thủ hiện đại này đã bắn hạ tên lửa Grad đầu tiên được phóng từ Dải Gaza.
7- Khi “Vòm Sắt” được lựa chọn để phát triển thành hệ thống phòng không của Israel nhằm chống lại các tên lửa tầm ngắn, nhiều nhà chỉ trích tin chắc rằng nó sẽ không bao giờ hoạt động.
Câu trả lời cho các ý kiến chỉ trích này được đưa ra vào tháng 4/2011 khi hệ thống “Vòm Sắt” bắn hạ 8/8 quả tên lửa được bắn vào khu vực Ashkelon và Beersheba.
Trong thực tế, các khẩu đội “Vòm Sắt” đã được ví như những người hùng trong suốt chiến dịch “Trụ cột quốc phòng” hồi năm 2012.
Hiện nay, “Vòm Sắt” được đánh giá là hệ thống phòng thủ tầm ngắn tốt nhất trên thế giới với hiệu suất đạt đến 90%.
8- Hệ thống điều khiển trung tâm của “Vòm Sắt” được thiết kế và lập trình bởi Công ty quốc phòng nhà nước Rafael và công ty tư nhân MPrest Systems.
9- “Vòm Sắt” có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể mưa bão hay sương mù.
10- Tính thẩm mỹ đã được đánh giá rất cao trong quá trình thiết kế hệ thống “Vòm Sắt”. Một trong những nhà thiết kế từng nói với tạp chí Hayadan rằng: “Chúng tôi muốn các khẩu đội tên lửa này phải có hình dáng cực kỳ hiện đại và mang tính đe dọa cao, bởi vì chắc chắn vài giờ sau khi được sử dụng, nó sẽ xuất hiện đầy trên các mặt như CNN hay Al-Jazeera.”
11- Theo một báo cáo được đăng trên tạp chí tiếng Do Thái Flightglobal, trong quá trình vận hành hệ thống “Vòm Sắt,” quân đội Israel nhận ra rằng hệ thống này cũng có thể phát huy hiệu quả chống lại các máy bay ở độ cao lên đến 10.000 mét.
12- Hệ thống “Vòm Sắt” được tài trợ bởi Mỹ và Israel. Trong đó, Israel tài trợ các chi phí nghiên cứu ban đầu và phát triển hai hệ thống tên lửa đầu tiên.
Năm 2010, Mỹ đã đóng góp 205 triệu USD để phát triển hệ thống này.
Vào năm 2011, Israel đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD dành cho việc xây dựng các khẩu đội “Vòm Sắt.”
Đến năm 2012, Mỹ dành thêm 70 triệu USD cho công tác nghiên cứu và phát triển của Israel.
Tháng 7/2014, Ủy ban Chuẩn chi ngân sách Thượng viện Mỹ cũng đã đề xuất khoản ngân sách 351 triệu USD dành cho việc nâng cấp hệ thống “Vòm Sắt” của Israel.
13- Theo công ty Rafael, “Vòm Sắt” là một trong ba trụ cột phòng thủ của Israel, bao gồm hệ thống “Vòm Sắt” (Iron Dome), “Đũa Thần” (Magic Wand) và “Mũi Tên” (Arrow), có thể được đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.
Hệ thống “Đũa Thần” được thiết kế để đánh chặn các đầu đạn có tầm bắn từ 70km đến 300km, như các loại tên lửa của Hezbollah ở Leban.
Trong khi đó, hệ thống “Mũi Tên” được dùng để chống lại các mối đe dọa tầm xa từ Iran. Ba loại tên lửa tiên tiến này sẽ cấu thành một hệ thống mà Israel gọi là "hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp."
14- Các nhà phát triển hệ thống “Vòm Sắt” đã giành được giải thưởng uy tín của Bộ quốc phòng Israel năm 2012 cho những thành tựu mang tính đột phá về công nghệ.
15- Hai nhà sáng tạo trẻ của Israel đã sử dụng mạng xã hội Facebook và Twitter để cập nhật các hoạt động của hệ thống “Vòm Sắt”./.