133 tổ chức, doanh nghiệp sẽ được vinh danh tại Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương năm 2021-2023 sẽ được tổ chức vào ngày 18/12/2024 tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội).

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 12/12, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp báo về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là Giải thưởng duy nhất về Chất lượng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xét tặng hằng năm.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua 28 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các tổ chức/doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội; Tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp xuất sắc, duy trì ổn định một cách toàn diện và khẳng định được vị thế cạnh tranh không chỉ với thị trường trong nước mà đã vươn tầm quốc tế, nhờ quá trình nỗ lực cải tiến hệ thống quản trị theo hướng tối ưu và phát triển bền vững.

vnp_giai thuong chat luong quoc gia-2.jpg
Ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cho đến nay đã có 2.163 lượt doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Trong đó, năm 2021, Thủ tướng đã tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho 61 doanh nghiệp, năm 2022 có 49 doanh nghiệp và năm 2023 có 23 doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh: "Tôi cũng mong cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và cá nhân sẽ tiếp tục ủng hộ, tham gia và đồng hành cùng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, góp phần mang lại những hoạt động thiết thực, tương xứng với uy tín và bề dày của Giải thưởng cũng như thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 đến 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020, để thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế."

Cũng tại sự kiện, ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, mức độ ứng dụng chuyển đổi số là một thành phần trong bộ tiêu chí về đo lường, phân tích và quản lý tri thức của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

“Nếu như trước kia là ứng dụng công nghệ thông tin thì giờ đây doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động của chuỗi cung ứng," ông Phùng Mạnh Trường nói.

Từ kinh nghiệm nhiều năm tổ chức giải thưởng, theo Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam trước kia thường chú trọng vào thị trường, sản phẩm, khách hàng, ít chú trọng về ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây thực tế đã thay đổi hoàn toàn.

“Doanh nghiệp Việt hiện rất chú trọng việc đầu tư cho chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm quản trị chất lượng trong hoạt động quản lý. Khi chúng tôi tiếp cận, các doanh nghiệp có những ứng dụng như vậy được đánh giá rất cao,
Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 quyết định về việc trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với tổng cộng 133 tổ chức, doanh nghiệp được trao tặng. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 18/12/2024 tại Hà Nội./.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, có lịch sử hình thành và phát triển từ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được triển khai từ năm 1995.

Giải thưởng nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award - GPEA) của Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Quality Organization - APQO).

Giải thưởng được thiết lập, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ (Malcom Baldrige).

Giải thưởng được xét tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục