13.000 người mắc mới HIV mỗi năm: Quan ngại nhóm thanh thiếu niên

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long cho hay trong năm 2020, mặc dù là năm rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được tổ chức triển khai rộng rãi và có hiệu quả cao.
Các bạn trẻ đọc thông tin tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, đáng lưu ý trong năm 2020 đã phát hiện 13.000 trường hợp nhiễm mới, đây là con số vẫn cao, trong khi đó những năm trước là 10.000 đến 11.000 trường hợp mắc mới.

Đáng lưu ý, con đường lây nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm đa số, đáng quan ngại là lây nhiễm trong nhóm thanh thiếu niên gia tăng.

[Tiềm ẩn nguy cơ từ người nhiễm HIV chưa được phát hiện trong cộng đồng]

Ông Long dẫn chứng, điển hình mới đây tại An Giang, cơ quan chức năng đã phát hiện 50 trường hợp nhiễm mới HIV chỉ trong một đợt khám kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết như vậy tại Hội nghị Triển khai Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV giai đoạn 2021-2025 và Hướng dẫn quản lý, sử dụng thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế diễn ra ngày 19/1, tại Hà Nội.

Nhiều mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long cho hay trong năm 2020, mặc dù là năm rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được tổ chức triển khai rộng rãi và có hiệu quả cao. Ngành y tế đã mở rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xét nghiệm để điều trị ARV cho những trường hợp ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV, điều trị ARV trong ngày.

Hiện nay, ngành y tế đang duy trì điều trị Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân; mở rộng điều trị PrEP cho trên 13.000 khách hàng; điều trị ARV cho trên 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS với chất lượng điều trị thuộc nhóm đầu thế giới.

Đặc biệt, Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS trong một kỳ họp. Đây cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành y tế năm 2020.

Ngoài Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mark Troger, điều phối viên Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) Việt Nam đánh giá Việt Nam đang tiếp tục là nước dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV có chất lượng. Việt Nam có các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, lấy khách hàng làm trung tâm và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV.

Một loại thuốc ARV điều trị cho người có HIV. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Kết quả trên được minh chứng bằng tỷ lệ rất cao là 95% người HIV dùng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Đây là một trong những tỷ lệ ức chế virus cao nhất trên thế giới.

Để góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 95-95-95, thời gian tới PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các dịch vụ HIV và tăng cường các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ HIV.

13.000 người mắc mới HIV mỗi năm

Theo phó giáo sư Long, thời gian qua, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Hiện nay, nguồn tài chính trong nước dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang tiếp tục tăng nhanh rõ rệt. Nếu như năm 2014, nguồn lực trong nước dành cho HIV/AIDS chỉ chiếm 27% thì đến năm 2020 con số này đã là 53%.

Hiện nay, trên toàn quốc đã có hơn 52.000 bệnh nhân mắc HIV/AIDS đã chuyển sang điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, trong thời gian tới, khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt các văn bản quy hướng dẫn triển khai Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi trong tháng 6/2021, bao gồm 01 Nghị định của, 01 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hiện nay, điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn thuốc ARV từ nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, từ năm 2019 Việt Nam phải chuyển điều trị ARV sang nguồn Quỹ bảo hiểm y tế.

Trước thực trạng việc cung ứng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia phối hợp với Vụ Kế hoạch -Tài chính, Cục Quản lý Dược… đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá thuốc nhằm bảo đảm có thuốc cho người bệnh HIV/AIDS theo kế hoạch đề ra.

Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP), đây là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhất thế giới hiện nay, giảm đến trên 90% nguy cơ bị nhiễm HIV, đặc biệt là cho những người có hành vi nguy cơ cao, như quan hệ tình dục trong các đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long nói về những thành tựu trong công tác điều trị HIV/AIDS:

Những năm qua, Việt Nam đã mở rộng điều trị bằng PrEP. Năm 2017 PrEP được thí điểm triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, năm 2019 được triển khai tại 11 tỉnh/thành phố thì đến năm 2020 đã mở rộng ra 27 tỉnh/thành phố với hơn 13.000 khách hàng đã sử dụng PrEP, có hơn 10.000 khách hàng đang sử dụng. Chỉ tiêu quốc gia năm 2021 là 38.000 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP.

Do đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tích cực triển khai thực hiện mục tiêu này để sớm kiểm soát tình hình dịch HIV trong cộng đồng MSM.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên mong các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các vấn đề ưu tiên mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã nêu ra để Việt Nam có thể tiến đến Mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đặc biệt, trước mắt đề nghị các nhà tài trợ PEPFAR, Quỹ Toàn cầu hỗ trợ Bộ Y tế các giải pháp trong cung ứng thuốc ARV, bảo đảm người bệnh HIV/AIDS được điều trị ARV liên tục, không bị gián đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục