Đánh giá về thành tựu trong chặng đường 120 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định với bề dày truyền thống, Bệnh viện Trung ương Huế không ngừng phát triển toàn diện, trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hạng đặc biệt của Việt Nam.
Bệnh viện đã đạt được một số thành tựu không những có tiếng vang trong nước mà còn được ghi nhận trên trường quốc tế, như ghép tim, ghép thận, cấy thiết bị hỗ trợ thất trái (tim bán phần), ghép tế bào gốc hỗ trợ điều trị ung thư buồng trứng, phẫu thuật nội soi trong nhiều lĩnh vực.
Bệnh viện Trung ương Huế đã đóng góp rất nhiều kết quả quan trọng vào những thành tựu chung của ngành y tế Việt Nam trong những năm qua.
Khởi nguồn của bệnh viện Trung ương Huế là từ năm 1894, khi bệnh viện được thành lập theo sắc lệnh của vua Thành Thái với tên gọi là Bệnh viện Tây y. Đến năm 1944 được đổi tên là Bệnh viện Trung ương Huế.
Trong quá trình phát triển, bệnh viện đã phát huy tính năng động, dám nghĩ, dám làm, xây dựng bệnh viện có quy trình kỹ thuật y khoa hiện đại, cùng đội ngũ thầy thuốc trình độ cao, tâm huyết với nghề.
Giáo sư-tiến sỹ, Anh hùng lao động Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, để phát triển bệnh viện trong điều kiện khó khăn, nhất là rút ngắn khoảng cách với trình độ y học thế giới, lãnh đạo bệnh viện đã tập trung ưu tiên hàng đầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ sức đảm đương, chinh phục những kỹ thuật can thiệp y khoa khó khăn phức tạp nhất.
Bên cạnh đó là vai trò người thầy thuốc luôn thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, những mảnh đời bệnh tật hiểm nghèo.
Những ngày đầu, khi triển khai phẫu thuật tim mạch, bệnh viện đã chủ động gửi cán bộ đi đào tạo trong và ngoài nước với nhiều chuyên khoa khác nhau.
Hiện tại, bệnh viện có đội ngũ thầy thuốc chất lượng cao, với 2 giáo sư, 5 phó giáo sư, 27 tiến sỹ, 82 bác sỹ chuyên khoa II, 95 bác sỹ chuyên khoa I và hơn 200 thạc sỹ.
Với đội ngũ cán bộ gần 2.500 người, trong đó có 400 bác sỹ, với trình độ sau đại học chiếm đến 70%, hơn 200 cán bộ được tu nghiệp ở nước ngoài từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, bệnh viện đủ năng lực để hình thành 7 trung tâm, 56 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 11 phòng chức năng…, bệnh viện là cơ sở đào tạo thực hành thạc sỹ, tiến sỹ y khoa trong cả nước, đồng thời là nơi đón nhận nhiều bác sỹ người nước ngoài đến nghiên cứu sinh, học tập.
Hiện, bệnh viện đã hỗ trợ 9 bệnh viện tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, theo phương thức "cầm tay chỉ việc", góp phần giải quyết nhiều trường hợp bệnh khó, cứu sống nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo.
Cũng chính đội ngũ thầy thuốc chất lượng cao này đã góp phần gánh vác trách nhiệm đối với sự phát triển của bệnh viện. Nổi bật là trung tâm tim mạch, với việc thực hiện thành công những ca phẫu thuật tim hở đầu tiên. Điều này đã ghi tên Bệnh viện Trung ương Huế lên bản đồ ghép tim thế giới.
Sau ca ghép tim thành công từ người cho chết não từ năm 2011, hiện bệnh nhân sống và làm việc khỏe mạnh, trong tháng 6/2014, Bệnh viện Trung ương Huế còn thành công trong ca phẫu thuật cấy Heartware cho bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối có tiên lượng nguy hiểm đến tính mạng.
Đó là bệnh nhân Hoàng Quốc Biên, ngư dân 39 tuổi ở Quảng Bình. Ca phẫu thuật do giáo sư-tiến sỹ Bùi Đức Phú và ê kíp của bệnh viện thực hiện, với sự trợ giúp của chuyên gia đến từ Bệnh viện St Vincent (Australia).
Đây là công trình nghiên cứu cấp nhà nước nằm trong phạm vi chương trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghiệp tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng," do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế thực hiện, trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên trong nước thực hiện thành công ở lĩnh vực này.
Thành công này mang lại hướng đi mới trong việc điều trị cho các bệnh nhân suy tim, suy tim-phổi giai đoạn cuối bằng công nghệ hiện đại.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã ghép tim thành công từ người cho chết não cho bệnh nhân Trần Mậu Đức, 26 tuổi, phường Phú Hội-Huế. Bệnh nhân bị giãn cơ tim, suy tim cấp độ 4.
Hiện tại, bệnh nhân sống khoẻ mạnh, đang làm việc tại một đơn vị ở thành phố Huế.
Đến nay, trung tâm đã phẫu thuật tim hở hơn 10.000 trường hợp và hơn 15.000 trường hợp được can thiệp tim mạch.
Đặc biệt, bệnh viện đã thực hiện thành công với ca ghép tim lịch sử năm 2011 và gần đây là ca mổ cấy tim nhân tạo bán phần đầu tiên ở Việt Nam.
Không chỉ trong lĩnh vực tim mạch mà còn ở tất cả các chuyên khoa khác cũng vậy, vì thế, Bệnh viện Trung ương Huế trở thành địa chỉ tin cậy trong chăm sóc điều trị chất lượng cao.
Hàng năm, có 450.000 lượt bệnh nhân khám bệnh, 95.000 bệnh nhân điều trị nội trú, phẫu thuật lên đến 27.000 ca.
Bệnh viện đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực ghép tạng (như ghép thận với 200 ca thành công, ghép tế bào gốc, ghép giác mạc), phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư đa mô thức, hơn 700 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, các labo xét nghiệm sinh học phân tử và chẩn hình ảnh, y học hạt nhân ... tất cả đều dựa trên sự đầu tư nguồn nhân lực đồng bộ, bài bản và lâu dài.
Theo giáo sư-tiến sỹ Bùi Đức Phú, Bệnh viện Trung ương Huế đang đóng vai trò chủ đạo trong quá trình xây dựng Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực miền Trung, đáng chú ý là việc huy động các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại.
Trong 10 năm trở lại đây, với nguồn đầu tư 25% từ ngân sách nhà nước, phần còn lại là từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ và các tổ chức không chính phủ, các nguồn huy động khác, kể cả vốn vay, bệnh viện đã xây dựng mới và đưa vào sử dụng các công trình hiện đại có tổng diện tích khoảng 65.000m2 cùng với các trang thiết bị hiện đại đồng bộ như Trung tâm kỹ thuật cao, trung tâm tim mạch, trung tâm nhi khoa, trung tâm truyền máu khu vực, trung tâm đào tạo và khoa mắt, trung tâm ung bướu (đang xây dựng).
Bệnh viện được Bộ Y tế đánh giá là đơn vị thu hút vốn đầu tư qua hợp tác quốc tế hiệu quả, đã đầu tư xây dựng và cung cấp trang thiết bị dưới dạng "chìa khóa trao tay" đã làm thay đổi toàn bộ cấu trúc, diện mạo hạ tầng bệnh viện, tạo điều kiện cho khoa học kỹ thuật cất cánh.
Bệnh viện không ngừng đổi mới quản lý kinh tế trong y tế, nhằm giảm thiểu các chi phí do lạm dụng thuốc, kỹ thuật xét nghiệm, xây dựng các phác đồ, quy trình kỹ thuật chuẩn, kiểm soát giá đầu vào các phương tiện vật tư tiêu hao.
Đặc biệt, bệnh viện chú trọng đào tạo đội ngũ thầy thuốc đạt chuẩn cả về y nghiệp và y đức, phục vụ tận tình tất cả bệnh nhân, không phân biệt đối tượng; miễn giảm phần viện phí cho bệnh nhân nghèo đặc biệt khó khăn để họ có điều kiện chữa bệnh bằng kỹ thuật hiện đại.
Chỉ riêng ca ghép thận cho chị Hứa Cẩm Tú (người bị cắt "nhầm" cả 2 quả thận được chuyển từ Cần Thơ ra Huế điều trị), với chi phí ghép thận và điều trị cho bệnh nhân lên tới 2,5 tỷ đồng, đều được bệnh viện lo miễn phí.
Trong thời gian tới, để xây dựng bệnh viện có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, Bệnh viện Trung ương Huế tập trung hoàn thiện đồng thời hai mô hình.
Thứ nhất, mô hình bệnh viện đa Trung tâm đã và đang hình thành tại Bệnh viện Trung ương Huế, với 7 trung tâm; trong thời gian đến bệnh viện sẽ thành lập thêm 5 trung tâm mới; đây là bước phát triển quan trọng chuyển đổi từ mô hình bệnh viện đa khoa lên cấp độ cao hơn về cơ cấu tổ chức.
Trong những năm qua, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực. Các chuyên khoa sâu có điều kiện hình thành và phát triển, đội ngũ cán bộ được quy hoạch đào tạo theo hướng chuyên sâu, mở rộng và cải tạo cơ sở hạ tầng theo quy hoạch trung tâm có sự nối kết hợp lý, phát huy được sự năng động sáng tạo của trung tâm trong việc triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại, hợp tác quốc tế, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho các bệnh viện tuyến dưới.
Mô hình thứ hai là trường-viện (Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế) như các nước phát triển, với cơ chế kết hợp chặt chẽ giữa Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế sẽ là nền tảng quan trọng quyết định sự hình thành Trung tâm Y học cao cấp tại Huế. Tin tưởng rằng, mô hình này sẽ là động lực phát triển trong tương lai của hệ thống y tế tại Huế nói riêng và cả nước ta nói chung.
Với những thành tích và đóng góp nổi bật, Bệnh viện Trung ương Huế xứng danh là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới./.