11 triệu USD thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua đổi mới công nghệ sạch ở VN

Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cácbon thấp thông qua đổi mới công nghệ sạch hướng tới phát triển bền vững" có tổng số tiền hơn 11 triệu USD; gồm tài trợ từ GEF, đối ứng của Chính phủ và đối tác.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) xây dựng Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cácbon thấp thông qua đổi mới công nghệ sạch hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam” với tổng số vốn dự kiến đầu tư hơn 11 triệu USD.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cácbon thấp thông qua đổi mới công nghệ sạch hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam” do hai đơn vị trên tổ chức vào ngày 20/12, tại Hà Nội.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tài nguyên lớn và công nghệ kém phát triển đã khiến quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên không hiệu quả, thiếu tính bền vững.

Từ những thách thức đặt ra, ông Thọ cho biết Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UNIDO xây dựng Dự án nói trên.

Kéo dài từ 2023-2026, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11 triệu USD. Trong đó, vốn tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua UNIDO hơn 1,7 triệu USD; vốn đối ứng từ Chính phủ và đồng tài trợ từ các đối tác hơn 9,3 triệu USD.

Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ sạch cho nền kinh tế tuần hoàn và cácbon thấp; hướng tới thực hiện phát triển bền vững và toàn diện trong các ngành ưu tiên ở Việt Nam, tích hợp năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và quản lý chất thải.

Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cácbon thấp thông qua đổi mới công nghệ sạch hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Thọ, các hoạt động của dự án sẽ giúp củng cố và tăng cường sự kết nối giữa khung thể chế, chính sách và hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới công nghệ sạch quốc gia; chuyển đổi các giải pháp công nghệ sáng tạo từ giai đoạn sơ khai thành các doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô.

Dự án trên cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin với cộng đồng.

Đánh giá cao tầm quan trọng của dự án, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Võ Xuân Hoài cho hay Việt Nam có lợi thế học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, Chuyển đổi Số nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng.

Tuy vậy, ông Hoài cũng lưu ý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần có lộ trình xây dựng chính sách, pháp luật, hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế và phù hợp với xu thế trong khu vực và trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục