10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất các doanh nghiệp công nghiệp TPHCM

VietinBank dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Giao dịch tại VietinBank. (Nguồn: VietinBank)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với lãi suất ưu đãi.

Chương trình cho vay này nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị, gia tăng năng lực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Thông qua chương trình này, chủ đầu tư dự án thuộc danh mục các dự án lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND sẽ được áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi tại VietinBank. Đồng thời được ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh cấp bù lãi suất tối đa 100% mức lãi suất đã thanh toán cho VietinBank và tối đa 200 tỷ đồng/dự án.

[Từng bước đưa sản xuất ôtô trở thành ngành kinh tế quan trọng]

Mức vốn vay sẽ được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho 1 dự án. Đối với các dự án có yêu cầu mức hỗ trợ lãi suất trên 200 tỷ đồng hoặc thời hạn lãi suất trên 7 năm, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

Triển khai từ tháng 4/2017 tới nay, Chương trình cho vay đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của VietinBank đã là động lực cho nhiều doanh nghiệp triển khai được kế hoạch sản xuất, mở rộng kinh doanh. Đây cũng là cơ hội với mức hỗ trợ lớn mà Thành phố Hồ Chí Minh và VietinBank dành cho các doanh nghiệp.

Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các chi nhánh VietinBank trên địa bàn sẽ luôn đồng hành, tư vấn cho doanh nghiệp thông tin cần thiết trong suốt thời gian triển khai chương trình./.

Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND nhằm cụ thể hóa hơn nữa các lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm mà Thành phố quan tâm, góp phần phát triển kinh tế Thành phố. Trong đó, lĩnh vực hỗ trợ được cụ thể hóa hơn với danh mục các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí (17 danh mục); hóa chất, nhựa, cao su (10 danh mục); chế biến lương thực, thực phẩm (2 danh mục); điện tử - công nghệ thông tin (14 danh mục) và 2 ngành truyền thống: Dệt - may (5 danh mục); da - giầy (2 danh mục).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục