Mấy năm trở lại đây, thị trường đất đai ở Sóc Sơn khá sôi động do địa phương này được quy hoạch là đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội, lại có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp với đồi rừng, hồ nước nên nhiều nhà đầu tư đã “xuống” tiền mua đất ở đây.
Hình thức mua bán đa dạng, từ giấy viết tay đến sang nhượng sổ đỏ qua Văn phòng công chứng. Tuy nhiên từ khi sổ đỏ vượt hạn mức được phát hiện và thu hồi, dừng giao dịch cũng là lúc “cò sổ đỏ" xuất hiện với các chiêu trò.
Ma trận sang nhượng sổ đỏ sai hạn mức
Anh Nguyễn Ngọc Hòa ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) mua 700m2 đất sổ đỏ, trong đó, có 400m2 đất ở, tại xã Phú Cường (Sóc Sơn) từ nhiều năm nay. Ba tháng trước đây, trong cơn “sốt” đất anh quyết định bán lại cho người khác với giá gần 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc bán mua không thành do người mua phát hiện sổ đỏ vượt hạn mức (xã đồng bằng như Phú Cường hạn mức tối đa chỉ 300m2 đất ở - pv) nên rút tiền đặt “cọc.” Cầm các loại giấy tờ đi hỏi nhiều nơi anh Hòa đều nhận được câu trả lời khác nhau với nhiều thủ tục rối rắm.
Anh Hòa than thở, trước khi mua, anh đã tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của thửa đất. Thấy sổ đỏ do Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cấp nên anh mới mua. Để yên tâm hơn, anh qua văn phòng công chứng chứng thực hợp đồng mua bán. Không ngờ hiện nay cơ sự ra thế này, đất là tài sản mà anh không thể bán được.
Gia đình ông N.V.T ở thôn Lai Sơn (Bắc Sơn) đang định chuyển nhượng một phần mảnh đất của mình cho người thân nhưng đầu tháng 12/2020 ông nhận được quyết định của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn về việc thu hồi sổ đỏ hơn 1.200m2 được cấp từ năm 2012.
Lý do được Ủy ban Nhân dân huyện đưa ra là sổ đỏ đã cấp vượt hạn mức đất ở. Ngay sau đó, gia đình ông T phải dừng tất cả các quyền của người sử dụng đất.
Theo tìm hiểu, từ tháng 5/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Sóc Sơn đã ra thông báo dừng giao dịch đối với khoảng 20 hồ sơ. Chính vì vậy, hiện nay, tại Sóc Sơn có hàng trăm người đang "mắc kẹt" như anh Hòa, không thể giao dịch một cách chính thống.
[10.000 sổ đỏ tại Sóc Sơn bị cấp sai hạn mức: Ngậm ngùi 'xin mất đất']
Công chức địa chính xã Minh Phú Đinh Xuân Hải cho hay, xã đang thực hiện theo văn bản của cấp trên giao là rà soát, thống kê có bao nhiêu trường hợp muốn điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào... sau đó báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện.
Bà Đàm Thị Hiền, công chức địa chính xã Hồng Kỳ thông tin, với những hộ có sổ đỏ chưa đăng ký biến động (chưa sang nhượng, cho tặng, chia tách - pv) còn có thể “gỡ” được. Những mảnh đất đã mua bán sang tay nhiều lần sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra hộ đứng tên để thu thập hồ sơ giải quyết “hạ” sổ và các quyền lợi liên quan.
Thực tế, thị trường đất đai ở Sóc Sơn sôi động nên nhiều nhà đầu tư ở nội đô Hà Nội đã tìm về đây mua đất kiếm lời. Nhiều người đã “rơi” tiền trước khi tìm hiểu về pháp lý của mảnh đất đã mua. Đến khi muốn giao dịch, sang tên đổi chủ, mọi người vỡ lẽ là sổ đỏ đã bị “vô hiệu,” thuộc diện thu hồi. Nhiều hộ có sổ đỏ vượt hạn mức đã tìm đến “cò” để trút bầu tâm sự.
Việc khó để “cò” lo
Trong vai nhà đầu tư muốn mua đất ở thôn Phú Xuân (Bắc Sơn) - nơi có cảnh quan hồ nước đẹp mắt, sơn thủy hữu tình, “cò” Lượng - một người dân bản địa khoe: "Anh làm nghề hơn 10 năm, em cứ yên tâm mua, đất đã có sổ đỏ không lo về pháp lý."
Trước băn khoăn về việc muốn mua mảnh đất có sổ đỏ hơn 2.000m2, vượt xa hạn mức sổ đỏ hiện hành, “cò” Lượng khẳng định, sẽ “hạ” sổ về 400m2, chi phí chỉ xấp xỉ 100 triệu đồng, gồm các loại thuế, phí.
Tới Trung tâm môi giới bất động sản nằm tại xã Bắc Sơn tôi đặt câu hỏi mất khoảng bao lâu thì "hạ" được sổ và “hạ” kiểu gì, “cò” Đạt tự tin nói: “Qua Văn phòng công chứng người ta có “cửa” để lo toàn bộ, khoảng 30-40 ngày là nhận được sổ chính chủ." Nếu tự làm hồ sơ sẽ lâu, thậm chí không làm được.
Sau khi thanh tra đất vượt hạn mức tại huyện Sóc Sơn, Thanh tra thành phố Hà Nội đã ra Kết luận số 1085/KL-TTLN-P3 ngày 14/3/2019 nêu: “Những trường hợp cấp vượt hạn mức đất ở thì phải điều chỉnh đúng với hạn mức đất ở phù hợp với quy định là 400m2 đất/hộ, diện tích còn lại ghi là đất vườn rừng, đất trồng cây lâu năm.” Hướng dẫn rõ như vậy nhưng huyện Sóc Sơn lại rất chậm trễ trong việc điều chỉnh sổ đỏ cho người dân.
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, có nắm được thông tin “cò” “hạ” sổ đỏ vượt hạn mức. Tuy nhiên, xã chưa xác định được đối tượng cụ thể.
Quan điểm của chính quyền là khi có thông tin chính xác về việc cán bộ xã, huyện liên quan đến việc tiếp tay, thông đồng với “cò” để trục lợi của người dân qua việc "hạ" sổ lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện sẽ xem xét, xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cũng nhấn mạnh, thời gian qua, cử tri trên địa bàn huyện phản ánh cần có giải pháp xử lý dứt điểm việc sổ đỏ cấp vượt hạn mức để nhân dân được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Về việc này, huyện đã giao ngành chức năng tham mưu tháo gỡ.
Hiện Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh các thôn, xóm để nhân dân biết việc tổ chức, triển khai điều chỉnh hạn mục đích sử dụng đất ở được ghi trong sổ đỏ đã được Ủy ban Nhân dân huyện cấp sổ trước đây.
Mặt khác, Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo các xã tiếp nhận hồ sơ của gia đình, cá nhân và thực hiện các nội dung: Kiểm tra hồ sơ quản lý đất đai, hồ sơ địa chính (nếu có) và hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ đất đang lưu giữ tại xã. Cùng với đó là tổ chức kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, thực hiện lấy lý kiến dân cư về nguồn gốc đất.
Ông Phạm Quang Ngọc thông tin thêm Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo các bộ phận liên quan trong quá trình thực hiện không gây phiền hà, bức xúc cho nhân dân, mục tiêu là điều chỉnh sổ đỏ cho người dân về đúng quy định hiện hành./.