Ngày 1/5, gần một tuần sau trận động đất kinh hoàng 7,9 độ Richter, người đứng đầu phái bộ Liên minh châu Âu (EU) tại Nepal cho hay có khoảng 1.000 công dân của EU vẫn đang bị mất tích tại Nepal và 12 người được xác nhận đã tử vong.
Đại sứ EU Rensje Teerink tại Kathmandu nói: “Chúng tôi không biết họ ở đâu hoặc có thể đang ở đâu."
Theo Reuters và AFP, những người này đa số là khách du lịch tại dãy núi Langtang gần tâm chấn hoặc trong khu vực Everest.
Trong diễn biến liên quan, theo PTI, Chính quyền bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ, đã đề nghị đơn vị tình báo cảnh sát của bang này chú ý đến khả năng xảy ra tình tạng di cư ồ ạt từ Nepal sau trận động đất hôm 25/4.
Giám đốc tình báo thuộc Cục cảnh sát Uttarakhand, ông Ashok Kumar ngày 1/5 cho biết đơn vị tình báo cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động dọc biên giới dài 275 km giáp Nepal để theo dõi khả năng xảy ra tình trạng di cư ồ ạt.
Có những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng nói rằng nhiều người Nepal đang rời nước này sau trận động đất gây tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, vốn được coi là “xương sống” của nền kinh tế Nepal. Nếu bùng nổ làn sóng di cư từ Nepal thì các bang Sikkim và Uttarakhand của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất./.