100 năm ngày sinh của người kể chuyện đất nước và tình yêu bằng âm nhạc

Các tác phẩm của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu như những bức tranh âm thanh đa màu sắc, vẽ nên một bức chân dung sinh động về đất nước và con người Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử.
Đêm nhạc 'Tình yêu ở lại' năm 2009 giới thiệu các ca khúc của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Các tác phẩm của ông như những bức tranh âm thanh đa màu sắc, vẽ nên một bức chân dung sinh động về đất nước và con người Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử.

Được mệnh danh là “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam,” nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu có rất nhiều ca khúc nổi tiếng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ người yêu nhạc.

Các tác phẩm của ông như những bức tranh âm thanh đa màu sắc, vẽ nên một bức chân dung sinh động về đất nước và con người Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử. Mà ở đó, mỗi giai điệu, mỗi ca từ đều chứa đựng một phần tâm hồn của ông, một tình yêu sâu sắc dành cho quê hương, đất nước và con người.

Những ca khúc cách mạng mang giai âm hào sảng, tinh thần lạc quan

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, sinh ngày 11/11/1924, tại Đà Nẵng, nguyên quán ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Trưởng thành cùng những làn điệu dân ca, câu hò của vùng đất quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng thanh bình nên tình yêu và sự gắn bó với âm nhạc lớn lên như một điều tự nhiên trong con người ông. Ông từng thổ lộ rằng: “Tôi nhớ rõ lúc lên 7 tuổi, mẹ tôi thường hát và ru em ngủ, lời mẹ tôi ru con cất lên rất hay đã in đậm trong lòng tôi.”

Những năm 20 của thế kỷ trước, chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện cho con học nhạc và hầu hết đều phải tự mày mò. Chàng thanh niên Phan Huỳnh Điểu ngày ấy bước vào giấc mơ âm nhạc chỉ với cây đàn mandolin. Đến năm 1940, chàng trai 16 tuổi Phan Huỳnh Điểu bắt đầu hoạt động âm nhạc trong nhóm Tân nhạc.

Với tác phẩm đầu tay là ca khúc “Trầu cau,” nhạc sỹ lấy cảm hứng từ buổi đi xem vở “Tục lụy” của nhóm ca kịch Hà Nội biểu diễn tại Đà Nẵng. Vở kịch làm ông nhớ đến sự tích trầu cau và cứ thế viết liền một mạch giai điệu buồn mà sâu lắng về tình nghĩa anh em, vợ chồng.

Từ bài hát đầu tay đó, Phan Huỳnh Điểu đã say mê sáng tác và tạo ra hàng trăm tác phẩm âm nhạc với nhiều chủ đề khác nhau. Một trong những chủ đề nổi bật là các tác phẩm viết về cách mạng. Là người đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc và từng là một người lính, thế nên hơn ai hết ông được xem là một trong những nhạc sĩ có sáng tác gắn liền với chiều dài lịch sử đất nước.

Những bài hát của ông đi cùng năm tháng quan trọng nhất của đất nước khi trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh và cả những năm tháng hòa bình.

Năm 1945, chàng trai 21 tuổi, Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài hát “Đoàn giải phóng quân” (nay là “Đoàn Vệ quốc quân”) với hoài ước ghi trọn lời thề với non sông:

“Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi, ra đi thà chết chớ lui.”

Đó là lời thề của giải phóng quân và cũng là lời thề đầu tiên của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu khi bước theo cách mạng. Bài hát được viết theo nhịp hành khúc 2-4, thôi thúc và rạo rực như bước chân hành quân của các chiến sỹ giải phóng. Với giai điệu hào hùng, mạnh mẽ, bài hát đã khẳng định tiếng lòng của các chiến sỹ và góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu.

Bài hát "Đoàn Vệ quốc quân" không chỉ là tiếng gọi của thời đại mà còn trở thành biểu tượng âm nhạc, gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc. Qua tác phẩm này, nhạc sỹ đã truyền tải tinh thần yêu nước và sự kiên cường bất khuất, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ chiến sỹ và người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu lúc sinh thời. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Tiếp nối dòng cảm xúc hào sảng, anh dũng, Phan Huỳnh Điểu còn viết và phổ nhạc nhiều ca khúc cách mạng khác và hầu hết đều trở nên nổi tiếng như: “Mùa đông binh sỹ,” “Cuộc đời vẫn đẹp sao,” “Hành khúc ngày và đêm,” “Quê tôi ở miền Nam”…

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu từng nói “Hành khúc ngày và đêm” là một trong những tác phẩm “để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc.” Ông từng bật mí với báo giới về quá trình ông sáng tác nên ca khúc trứ danh này. Năm 1972, tình cờ ông đọc được trên tạp chí Văn nghệ Quân đội bài thơ "Ngày và đêm"của tác giả Bùi Công Minh. Nội dung bài thơ trùng hợp với hoàn cảnh của con trai ông lúc bấy giờ: Một anh bộ đội công binh, có người yêu là một cô giáo ở Hà Nội. Ngay lập tức, nhạc sỹ quyết định phổ nhạc bài thơ như một món quà dành tặng con.

"Rất dài và rất xa
Là những ngày thương nhớ
Nơi cháy lên ngọn lửa
Là trái tim thương yêu....”

Ngay sau khi bài hát ra đời đã được Nghệ sỹ Ưu tú Phan Huấn chọn để thu âm ở Đài Tiếng nói Việt Nam và biểu diễn góp phần cổ vũ các chiến sỹ trên chiến trường, kể cả trong những bệnh viện dã chiến nhiều người lính cũng yêu cầu nghe lại.

Sau khi bài hát vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đến với thính giả cả nước đã nhanh chóng được yêu mến. Mặc dù, ra đời trong những năm tháng khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhưng bài hát “Hành khúc ngày và đêm” - bản tình ca nồng cháy - không chỉ làm xúc động tuổi trẻ thế hệ đánh Mỹ mà còn cả tuổi trẻ thế hệ hôm nay.

Ai đó đã từng nói: “Hiếm ai như nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, ông có thể tình hóa được cả những ca khúc cách mạng, đưa tình yêu vào chiến tranh một cách hài hòa.”

Thật vậy, không khó để nhận ra, trong âm nhạc Phan Huỳnh Điểu, phần lớn các ca khúc của ông viết trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc được thể hiện bằng giai điệu trữ tình, da diết, khá khác biệt với nhiều nhạc sỹ cùng thời khác. Dù viết về chiến tranh, mất mát hay những nỗi buồn thì vẫn luôn chứa đựng một tinh thần lạc quan, vui vẻ với giai điệu trữ tình, trau chuốt, luôn ngọt ngào, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Bởi với ông, “Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao!” dường như đã là chân lý.

Nhạc sỹ của tình yêu

Nổi tiếng với các tác phẩm cách mạng nhưng nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu khẳng định tình yêu mới là nguồn năng lượng nuôi sống con người nghệ thuật của ông. Ông từng nhiều lần chia sẻ với báo giới rằng: “Nếu bạn không có tình yêu với bất cứ điều gì, tôi tin bạn cũng không thể tìm được nụ cười cho chính mình.”

Tình yêu được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Phan Huỳnh Điều. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Xuân Khoát đã không ngần ngại đặt cho nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu danh hiệu “nhạc sỹ của tình yêu,” vì có lẽ chẳng còn danh hiệu nào thích hợp hơn thế dành cho ông - tác giả của hàng trăm bản tình ca trữ tình và ngọt ngào.

Đặc điểm nổi bật ở những bài tình ca của ông là luôn lồng tình yêu đôi lứa vào tình cảm chung của dân tộc và thời cuộc. Tình chung trở nên thực hơn, truyền cảm hơn khi được gói trong tình riêng của người nghệ sỹ. Tình đất hòa trong tình đời, đem theo cái chân thành, đằm sâu, bền lâu của nó vào tình yêu của người nhạc sỹ.

"Sợi nhớ, sợi thương," "Anh ở đầu sông, em cuối sông," "Bóng cây Kơnia," "Thuyền và bi," "Thơ tình cuối mùa Thu," "Những ánh sao đêm"... là những ca khúc mãi đi vào lòng công chúng. Tình yêu trong nhạc của Phan Huỳnh Điểu được đặt trong nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc sống. Có tình yêu thời bình, cũng có những ca khúc nói về tình yêu trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt như “Cuộc đời vẫn đẹp sao” - ca khúc phổ thơ Dương Hương Ly.

Phan Huỳnh Điểu kể ông viết bài này vào thập niên 1970, trong một lần ông nằm chữa bệnh khi ở chiến trường về. Trong tình trạng "da bọc xương," ông được một nữ y tá hết lòng quan tâm, săn sóc. Phần nghệ sĩ nhạy cảm trong ông trỗi dậy. Nhân lúc đó, Phan Huỳnh Điểu đọc được bài thơ của Dương Hương Ly. Đoạn cuối bài thơ có thông điệp về tình yêu trong chiến tranh đã khiến ông bật ra giai điệu cho những ca từ đầy sức sống:

"Cuộc đời vẫn đẹp sao
Tình yêu vẫn đẹp sao
Dù đạn bom man rợ thét gào
Dù thân thể hiển nhiên mang đầy thương tích
Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch
Ta vẫn còn chung một ánh trăng ngần."

Dù mang giai điệu hành khúc rộn ràng, nhưng chất trữ tình-lãng mạn vẫn là nét bao trùm ca khúc của Phan Huỳnh Điểu. Một ca khúc khác nói lên sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của tình yêu trong chiến tranh đó là “Sợi nhớ sợi thương.” Ca khúc phổ thơ Thúy Bắc, nói về nỗi nhớ của cô gái với người yêu, cách nhau một dải Trường Sơn, giữa hai đầu chiến dịch:

"Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt bên mưa quây
Em dang tay, em xòe tay, chẳng thể nào mà che mưa bay
Chẳng thể nào mà che anh được."

Thế nhưng, không gian, thời gian, đạn bom ngăn cách không thể ngăn cô gái "nghiêng hết về bên anh" trong tâm tưởng. Ca khúc được ông lồng vào chất dân ca Nghệ Tĩnh, qua giọng hát ngọt ngào của nghệ sỹ Thu Hiền, đi vào lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.

Với Phan Huỳnh Điểu, “nỗi nhớ” là một biểu hiện của yêu. Chỉ một ngày chưa gặp mặt đã nhớ mênh mông, huống hồ nhiều ngày nhiều đêm xa nhau trong khoảng cách không gian của hai ngả đường chiến dịch, hai đầu con sông, hai đầu đất nước, hai phương trời. Chẳng gì đo được chiều dài của nỗi nhớ và chiều sâu của tình thương, vậy thì lấy hai cái “không thể đo được” ấy để đo nhau. Có nhớ mới biết yêu nhường nào, có “ở hai đầu nỗi nhớ” mới biết “yêu và thương sâu hơn” và thời gian trong cách trở chỉ càng sáng ngời tình yêu đích thực:

“Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ/ Nghĩa tình đằm thắm hơn”
(ca khúc "Ở hai đầu nỗi nhớ.")

"Thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên"

Không chỉ nổi tiếng là một trong những nhạc sỹ có số lượng ca khúc phổ thơ nhiều nhất, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu còn nổi tiếng là người "phổ thơ hay hơn cả thơ."

Nhạc sỹ Phong Nhã từng có một so sánh: "Nếu ở Trịnh Công Sơn là lời vượt nhạc, thì ở Phan Huỳnh Điểu là nhạc vượt thơ." Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu quan niệm rằng: “Thơ và nhạc như chị em sinh đôi, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên.” Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sỹ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn. Thế nên, có quá nửa gia tài âm nhạc ông để lại là các bài hát phổ thơ.

Nhà thơ Mai Văn Phấn từng nhận định: “Bài thơ được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sử dụng làm ca từ có thể ví như chiếc chìa khóa mở vào thế giới âm thanh của ông. Trong đó, những thi ảnh được hoán chuyển thành giai điệu, khúc thức, tiết tấu... mang đặc trưng phong cách Phan Huỳnh Điểu.

Nhiều câu thơ giản dị, thậm chí đơn giản, được ông thổi hồn vía vào đó, làm người nghe ngỡ chúng được tái sinh trong đời sống khác, một kiếp khác... Chẳng có mấy nhạc sỹ có thể tái sinh được những câu thơ đơn giản giống như Phan Huỳnh Điểu.”

Mong muốn đem đến một sức sống mới cho thơ ca bằng những nốt nhạc đã ấp ủ trong Phan Huỳnh Điểu từ những ngày còn đi học, nhưng phải đến những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, rồi thống nhất đất nước, những bài hát được ông phổ nhạc từ thơ mới thật sự nổi bật và trở thành nét riêng của ông.

Một trong những ca khúc phổ thơ đáng nhớ nhất của ông là "Bóng cây Kơnia." Biết đến bài thơ "Bóng cây Kơnia" (Ngọc Anh) từ năm 1959, Phan Huỳnh Điểu rất thích, đem phổ nhạc, nhưng không thành công. Phải đến khi ông đi B (1964-1970), ở chiến trường Tây Nguyên, thấm dần tiếng đàn, tiếng hát của bà con dân tộc, cảm xúc mới dâng trào, dòng nhạc như tuôn chảy và ca khúc "Bóng cây Kơnia" mới ra đời (tháng 8/1971). Bài hát sống trong lòng người yêu nhạc đến tận bây giờ.

Cứ thế, mỗi khi đọc một bài thơ tâm đắc, ông lại thổi vào đó những nốt nhạc. “Từ Hành khúc ngày và đêm,” “Sợi nhớ sợi thương” đến “Anh ở đầu sông em cuối sông,” “Ở hai đầu nỗi nhớ”… Và dấu ấn rõ nét nhất ở các tác phẩm này chính là sự hòa quyện mượt mà giữa giai điệu và ngôn từ thơ ca.

Như bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” chẳng hạn, có những câu tuyệt hay “Đêm nghe tiếng mưa rơi đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ,” “Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau hơn” nhưng nếu không được âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu chắp cánh, hẳn không trở thành một tuyệt phẩm, đưa nhà thơ Trần Hoài Thu lên địa vị khác hẳn như thế.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu có sự đồng cảm đặc biệt với các bài thơ của nữ thi sỹ Xuân Quỳnh nên những năm 1980, ca khúc "Thơ tình cuối mùa Thu" và "Thuyền và biển" được ra đời. Theo ông, hai ca khúc này mang âm điệu Bắc bộ, thể hiện chất thơ Xuân Quỳnh rất rõ, tiêu biểu cho tình yêu đằm thắm của phụ nữ Việt Nam.

Bài thơ “Thơ tình cuối mùa Thu” của nhà thơ Xuân Quỳnh là một bài thơ giàu tâm sự, giàu nữ tính, đầy ắp nỗi niềm yêu thương của Xuân Quỳnh. Ông phổ nhạc bài thơ này theo âm hưởng dân ca miền Bắc. Giai điệu bài hát nhẹ nhàng, khoan thai đẹp như cảnh thu vàng, trong đó có bóng dáng hai người yêu đang thong thả nhẹ bước trên thảm lá.

Nét nhạc nhè nhẹ trôi đi như muốn nói rằng thời gian cứ qua dần theo từng mùa trong năm. Tất cả cứ từ từ đi vào quá khứ, nhưng “chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại.” Đó cũng là câu thơ trong bài này mà nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu tâm đắc và yêu thích nhất.

Còn bài thơ “Thuyền và biển” được Xuân Quỳnh viết vào những năm 1960 khi đang yêu đắm đuối và đau khổ trong cuộc tình tuyệt vọng. Sau gần hai thập niên, bài thơ tình tuyệt vời của nữ sĩ được chắp cánh bay cao, bay xa qua bút pháp âm nhạc tài hoa của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Cái tha thiết, nồng nàn của một tâm hồn thơ giàu nữ tính được âm nhạc chắp cánh, khiến mỗi lần nghe lại ca khúc vẫn lắng đọng lòng người:

“Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.”

Sinh thời, khi nói về gia tài vô giá của mình, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu vẫn rất mộc mạc: “Tôi coi tác phẩm như con của mình, mà đã là con thì trai hay gái, tôi đều yêu đều thương như nhau. Vì vậy, các vị có hỏi tôi cảm thấy tâm đắc ca khúc nào nhất, tôi cũng khó mà trả lời. Được nhiều người yêu thích và hát ca khúc của mình, như vậy là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi….”

Hơn 75 năm cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu luôn được rất nhiều người yêu quý, mến mộ bởi tài năng và phẩm chất. Ở con người Phan Huỳnh Điểu toát lên sự gần gũi, thân thuộc và sự lạc quan, yêu đời. Cho đến những năm tháng cuối đời, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu vẫn hát, vẫn làm giám khảo cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh,” dành cuộc sống, nhiệt huyết và tình yêu cho âm nhạc như cái cách ông truyền tải vào mỗi tác phẩm của mình.

Ông hăm hở suốt cả cuộc đời, miệt mài không mệt mỏi, nối dài hơn cuộc đời mình đến những cuộc đời sau, sau nữa bằng thanh âm đầy cảm xúc. Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX, nhạc sỹ Phan Huỳnh đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Ngày 29/6/2015, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” đã ra đi, bay về một miền xanh thẳm, để lại tiếng hót ngọt ngào. Người đã ra đi, chỉ còn tình yêu ở lại, mãi mãi cùng với các ca khúc da diết, hào hùng, bất hủ! Dòng sông âm nhạc của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu cứ chảy mãi theo năm tháng, tên tuổi của ông luôn in sâu trong tình cảm của biết bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam hôm nay và mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục